Thứ Bảy, 05/10/2024 14:28 CH
“Làm mới” đô thị Tuy Hòa
Bài 1: Giải bài toán chợ vỉa hè
Thứ Bảy, 13/07/2013 14:00 CH

Quản lý vỉa hè và hình thành chợ đêm nhằm góp phần tạo nên sản phẩm và không gian du lịch về đêm cho du khách khám phá thành phố… là việc làm cần được chú trọng. Điều này sẽ góp phần giải quyết bài toán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh sai quy định; giúp công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự được tốt hơn.

 

Bài 1: Giải bài toán chợ vỉa hè

Hiện tình trạng sử dụng vỉa hè, lòng lề đường để buôn bán trên địa bàn TP Tuy Hòa đã gây nhiều phiền toái cho người đi bộ, mất mỹ quan đô thị. Mặc dù lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc sắp xếp, giải tỏa nhưng tình hình này vẫn chưa cải thiện được nhiều.

 

Cho-via-he130713.jpg

Vỉa hè đường Phan Đình Phùng (phường 2), đoạn từ Lê Lợi đến chợ Tân Hiệp gần như bị chiếm trọn để bán trái cây, hải sản, than củi... - Ảnh: M.NGUYỆT

VỈA HÈ BỊ “XẺ”, CHỢ Ế

Tiến sĩ Đào Đăng Kiên, giảng viên ở TP Hồ Chí Minh đến thỉnh giảng tại Trường Chính trị tỉnh Phú Yên đã phàn nàn: “Mới sáng mở cửa nhà khách ra, tôi đã nghe mùi cá tanh tưởi. Trưa về lại bắt gặp cảnh nhiều người mua bán, trong đó có cả những cô, chú mặc quân phục mua hàng… “Kinh tế vỉa hè” làm cho TP Tuy Hòa còn nhiều nơi nhếch nhác, không mang dáng dấp của một đô thị văn minh, hiện đại”.

Hình ảnh những gánh hải sản được bày bán tại nhiều điểm trên vỉa hè đã không còn lạ với người dân ở TP Tuy Hòa. Hàng cá, ốc, mực... xuất hiện khi thì ở ga xe lửa (phường 2), khi ở gần Trường mầm non Hướng Dương, trước cửa Thành ủy TP Tuy Hòa (phường 1), cầu Nguyễn Huệ (phường 5), trên đường Trường Chinh đoạn giao nhau với đường Nguyễn Văn Cừ và Điện Biên Phủ (phường 7)... thu hút khá đông người mua, vừa gây cản trở giao thông, vừa mất mỹ quan đô thị. Dọc đường Trường Chinh, vỉa hè còn là nơi bày bán các mặt hàng tươi sống phục vụ cho các bà nội trợ. Chị Trần Thị Yến Lan, bạn hàng thân thiết của các điểm bán này cho biết: “Sau giờ làm việc ở cơ quan, tôi tạt ngang đây mua đủ các thứ cho bữa ăn, vừa có hàng tươi sống, vừa nhanh”. Đây cũng là thói quen mua sắm của nhiều cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các công sở ở khu vực xa chợ.

Hằng ngày, từ 16g trở đi, tuyến đường Trần Hưng Đạo trở thành điểm mua sắm quen thuộc của giới trẻ với đủ loại hàng thời trang như: dây nịt, quần áo, dép giày... được bày bán tràn lan trên vỉa hè. Người bán mời chào, khách mua hàng vô tư đậu xe dưới lòng đường. Ngày càng có nhiều quầy hàng bán theo kiểu thức ăn đường phố, hàng rong lấn chiếm vỉa hè ở hầu hết các tuyến đường trong thành phố. Từng khoảnh vỉa hè bị những người bán hàng rong “xẻ” ra chiếm trọn, đặc biệt là buổi sáng và tối. Người đi bộ phải len lỏi giữa những khoảng trống còn lại để đi, nhất là trên các đường Phan Đình Phùng, Ngô Quyền, Lương Văn Chánh…

Buôn bán trên vỉa hè từ nhiều năm qua đã đáp ứng nhu cầu mua - bán nhanh, tiện lợi. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các hoạt động kinh tế vỉa hè có điều kiện nảy sinh và tồn tại. Trong khi đó, các chợ Tuy Hòa, Tân Hiệp được quy hoạch giúp người dân họp chợ đúng nơi quy định nhưng không ít người buôn bán rau xanh, thịt cá vẫn bám lấy những lòng lề đường bày bán mọi thứ.

Chợ phường 7 được xây dựng khang trang, hiện đại theo tiêu chí chợ loại 2 nhằm phục vụ nhu cầu mua bán của người dân trong khu vực. Đi vào hoạt động từ đầu năm 2013, nhiều người dân đã kỳ vọng nơi này trở thành một chợ kiểu mẫu văn minh, hiện đại của TP Tuy Hòa, nhưng đến nay chỉ có 1/3 số gian hàng được bày bán. Các tiểu thương thì rơi vào tình cảnh ế ẩm, lỗ vốn. Chị Ngô Thị Bích Vân tiểu thương tại chợ phường 7 than vãn: “Tôi cũng đã xác định khi vào bán tại chợ mới, ban đầu sẽ khó khăn, nhưng không ngờ lại ế ẩm triền miên như thế này. Tôi thực sự lo lắng, không biết có nên tiếp tục kinh doanh nữa hay không?”. Hiện nay hầu hết các gian hàng trong khu lều A đã nghỉ bán hoặc chỉ bán buổi sáng và thường dọn về sớm. Phần nhiều gian hàng treo bảng “sang sạp” nhưng cũng không có người đến sang nhượng.

Cho-via-he-1130713.jpg

Một điểm bán cá trên vỉa hè đường Trường Chinh (phường 7)- Ảnh: M.NGUYỆT

CẦN GIẢI QUYẾT BẤT CẬP

Hành vi sử dụng vỉa hè và lòng đường làm nơi kinh doanh và để xe đạp, xe máy là hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định trong Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 và Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Quy định cụ thể như sau:

1/ Về hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa bị xử phạt theo điểm c khoản 3 Điều 15 sửa đổi tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP, với mức phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

2/ Hành vi để xe đạp, xe máy ở hè phố trái quy định của pháp luật bị xử phạt theo điểm e khoản 3 Điều 8 sửa đổi tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP, với mức phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.

Hành vi để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật bị xử phạt theo điểm đ khoản 3 Điều 9 sửa đổi tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP, với mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Chị Nguyễn Thị Bình, tiểu thương chợ phường 7 nói: “Tôi bán hàng ở đường Trường Chinh đã gần 20 năm. Khi có chợ phường 7, tôi tiên phong vào đó và đinh ninh, khi chợ hoạt động, tất cả những hộ kinh doanh ở đường Trường Chinh và chợ phường 6 đều dồn đến. Hóa ra, chợ phường 6 nay còn được mở rộng diện tích, vỉa hè đường Trường Chinh lại có nhiều người bán hơn. Chúng tôi mong chính quyền nên giải quyết rốt ráo việc này để những người bán trên vỉa hè tập trung ra chợ, khi đó việc mua bán sẽ được tập trung một mối”.

Phó chủ tịch UBND phường 7 Nguyễn Thị Bích Dy cho hay: Những hộ gia đình và người thuê mặt bằng mua bán trong nhà thì không thể dẹp được vì họ sử dụng diện tích trong nhà. Bên cạnh đó, một số người bốc thăm không trúng nên không có điều kiện vào chợ phường 7, đành phải tiếp tục buôn bán nơi cũ. Phường cũng đã nhiều lần tổ chức dẹp những điểm bán trên vỉa hè nhưng tình trạng này vẫn cứ tái diễn. Thời gian tới, phường sẽ chấn chỉnh việc này.

Những loại hình dịch vụ và buôn bán nhỏ hiện nay phù hợp với tập quán tiêu dùng, tiện ích, khả năng chi trả... của phần lớn người dân thành phố. Hơn nữa, nó còn được xem là giải pháp mưu sinh hữu hiệu của rất nhiều hộ dân nghèo, hộ thu nhập thấp. Nên chăng, thành phố cần có những con đường, khu vực buôn bán để duy trì và phát triển “kinh tế vỉa hè”, vừa giải quyết nhu cầu sinh sống của người bán, người mua, vừa đảm bảo mỹ quan và trật tự đô thị, vừa bảo tồn được nét độc đáo.

Nếu nghĩ đến việc xây dựng thành phố sạch đẹp, văn minh; cả người kinh doanh và người tiêu dùng nên có thói quen đi chợ tập trung. Từng cơ quan, tổ chức đoàn thể nên vận động cán bộ, công chức, viên chức tập trung mua ở chợ và siêu thị để tạo nếp sinh hoạt văn minh đô thị. Cùng với đó, ban quản lý các chợ cần có giải pháp hỗ trợ tiểu thương để thu hút người bán, thu hút khách hàng; kêu gọi thêm nhiều ngành hàng về chợ để làm phong phú hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, từ đó mới lôi kéo được khách hàng đến chợ.

Để TP Tuy Hòa thật sự trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch, dịch vụ…, lực lượng chức năng cần có những giải pháp để giải quyết đồng bộ và quyết liệt, kêu gọi ý thức chấp hành luật pháp và ý thức cộng đồng.  

Ong-Hung130713.jpgPHÓ CHỦ TỊCH UBND TP TUY HÒA HỒ ĐỨC HÙNG: Sẽ phối hợp với các phường lập lại trật tự đô thị

Các hàng quán nhỏ lẻ được hình thành từ lâu, tạo thành nếp trong đời sống người dân nên khó mà dẹp bỏ. Thành phố đã đặt vấn đề giải tỏa hàng quán ở các tuyến đường nhưng việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ phối hợp với UBND các phường để vận động những người buôn bán ở vỉa hè vào chợ. Tại chợ phường 7, nếu tiểu thương khó khăn thì ban quản lý chợ

chỉ thu lệ phí ngày, tạo điều kiện cho họ bán. Sử dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh là hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Do đó, TP Tuy Hòa sẽ phối hợp với các phường tiếp tục dẹp bỏ các điểm bán hàng vi phạm để lập lại trật tự, tạo mỹ quan cho thành phố.

Ba-Ngoc-1.jpgCHỊ PHAN THỊ THANH NGỌC (KHU PHỐ LÊ DUẨN, PHƯỜNG 7): Nên dẹp vỉa hè, tập trung mua bán ở chợ

20 năm trước, phường 7 thưa thớt người ở. Vì là nơi mới định cư, lại cách xa trung tâm thành phố, xa chợ nên dọc đường Trường Chinh mọc lên những quầy bán thực phẩm tự phát. Cũng nhờ có nó, nhiều người được phục vụ tiện lợi nên chợ vỉa hè tồn tại đến nay. Còn nay, chợ phường 7 đã được xây dựng, việc mua bán nên tập trung tại đây để tránh tình trạng xe dựng ngổn ngang ở lòng đường, dễ gây tai nạn giao thông, mỹ quan đô thị bị ảnh hưởng.

 

Bài cuối: Chợ đêm Tuy hòa, tại sao không?

 

THU THỦY - MINH NGUYỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Xóm ốc ruốc
Thứ Bảy, 06/07/2013 14:00 CH
Các điểm du lịch “xứ Nẫu”
Thứ Bảy, 29/06/2013 08:30 SA
Nguyễn Hàng Tình - nhà báo đường rừng…
Thứ Bảy, 22/06/2013 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek