Những trận đấu diễn ra trong mùa World Cup 2010 này cho ta thấy sự hấp dẫn tuyệt vời của môn thể thao vua. Những bất ngờ đầy kịch tính luôn mang đến cho người xem những cảm xúc riêng; xem xong vòng tứ kết và trận bán kết 1 rạng sáng ngày 7/7, tôi liên tưởng đến bi kịch của sân khấu. Bóng đá không khác gì một vở kịch trên sân khấu, cũng đầy kịch tính, bi hài và sự kịch tính đó làm nên số phận của mỗi đội bóng.
Bi kịch của sân khấu là một điều gì đó đã biết trước và không bất ngờ, được hư cấu bởi các nhà văn, nhà biên kịch. Còn bi kịch trên sân cỏ là thực, là những gì đang diễn ra trên sân cỏ không thể biết trước, lường trước được. Vì thế sự hấp dẫn của World Cup 2010 quả là đáng nhớ. Những đội bóng lớn, tên tuổi như Pháp, Ý…, không ai ngờ rằng họ phải ngậm ngùi chia tay sớm với giải; hay như trận Uruguay gặp Ghana trong trận tứ kết, khi mà phần thắng 10/10 nghiêng về Ghana thì một cầu thủ của Uruguay dùng tay cản bóng ngay trước khung thành đội nhà để rồi tạo cơ hội cho đội mình vào bán kết gặp Hà Lan (thua Hà Lan với tỉ số 2-3). Chưa có World Cúp nào lại đầy bất ngờ, kịch tính và hay như World Cup 2010. Chiến thắng của đội này là sự thất bại của đội kia, kèm theo đó là những thay đổi có thể cả sự nghiệp. Minh chứng là đến thời điểm này, đã có nhiều huấn luyện viên trưởng phải ngậm ngùi ra đi; hay một sai lầm của cầu thủ trên sân cỏ cũng có thể đưa đến một cái chết (một cầu thủ của đội tuyển Colombia đã bị bắn chết khi vừa đặt chân xuống sân bay về nhà tại World Cup 1994). Ghê gớm hơn là bi kịch của những “con cờ cá độ”. Sau khi kết thúc trận đấu, đã có người phải nhảy lầu tự tử vì thua độ.
Bóng đá là môn thể thao được cả thế giới đam mê, yêu thích, nhưng bi kịch của nó là ghê gớm biết chừng nào. World Cup 2010 vẫn còn 2 trận nữa là kết thúc. Bi kịch gì sẽ xảy ra sau mỗi trận đấu? Hy vọng không phải là bi kịch của những “con cờ cá độ” như đã xảy ra.
HƯƠNG QUẾ