Hôm qua, thật bất ngờ, một người bạn lâu ngày khó gặp, đến biếu tôi một con chuồn chuồn tre. Đó là một chú chuồn chuồn nhân tạo, đuôi dài khoảng hai tấc, cánh dài tấc rưỡi, được chăm chút đẽo gọt, đánh dầu bóng loáng. Chính cống là một sản phẩm nghệ thuật bằng tre, nhìn rất thích mắt. Mỗi khi có gió, chú chuồn chuồn chập chờn nghiêng cánh, lạng lách xung quanh một cái trục cũng bằng tre. Nhìn chú ta “bợm” lắm. Chuồn chuồn có cánh thì bay, cho dù đó là chuồn chuồn tre. Tôi liền đặt chú ta trên nóc chiếc máy vi tính thân yêu của mình. Tôi làm việc là phải gần chuồn chuồn mới được việc.
Nguồn: sohoa.net |
Hồi nhỏ, tôi rất thích chuồn chuồn, thế nên tôi thích bắt chuồn chuồn. Thích là phải bắt. Rình bắt cả buổi bắt chả được con nào, cho nên lại càng thích bắt hơn. Lớn lên - khoảng 40 năm sau - không bắt chuồn chuồn nữa, nhưng bù lại tôi làm được bài thơ ca ngợi chuồn chuồn. Một bài thơ chỉ hay với riêng tôi, nghĩa là nó chưa chắc hay đối với người khác, nhưng không vì thế mà giảm hay đối với tôi. Một dạng thơ mới tập làm, chữ nghĩa chất phác. Bài thơ như sau: “Chiều nay chuồn chuồn sao nhiều quá thế/ Bay rợp cỏ xanh trên đất chưa cày/ Trời sà thấp gió rì rào kẽ lá/ Thì thầm chuyện gì không cho ta hay?... Chuồn chuồn chiều nay sao nhiều quá thế/ Đang lướt lên nhào xuống hàng đàn/ Lao tới vút ngang rối ren cả mắt/ Ngoạn mục làm sao đẹp quá trong đời… Một vùng không gian chuồn chuồn chiếm lĩnh/ Con chim lủi ngang không dám bay lên/ Mây hạ thấp như nhìn cho rõ/ Chú nào lái sai tông thẳng vào tôi… Một trời chuồn chuồn một trời hạnh phúc/ Hồn tôi trên lưng trên cánh chuồn chuồn/ Cánh chuồn chuồn không bay không được/ Đang say bay chở thơ ấu tôi về… Tôi chôn chân giữa đám chuồn chuồn/ Diễm phúc nào hơn một kiếp nhân sinh/ Xin cảm ơn đời cho tôi gặp gỡ/ Quá nhiều chuồn chuồn đan kín quanh tôi… Hơn nửa đời, nay thấy đời ngoạn mục/ Nhưng của thiên nhiên đâu phải con người…” Bài thơ cũ này lại ùa vào trí nhớ khi tôi nhìn chú chuồn chuồn tre trên nóc máy vi tính. Tôi liền mở quạt máy - mở số mạnh - hướng luồng gió vào ngay chú chuồn chuồn.
Chú ta quay tít, bồng lên hạ xuống, đùa giỡn nồng nhiệt vô cùng. Tôi liền sửa lại trong óc hai câu cuối của bài thơ như sau: “Hơn nửa đời, nay thấy đời ngoạn mục/ Nhưng của con người đâu phải thiên nhiên.” Tôi lẩm nhẩm đọc câu thơ, thấy không ổn. Ừ, nếu “của con người” sao anh không giỏi chế tạo ra tre? Thế là vẫn “của thiên nhiên”. Khỏe quá, thế là bài thơ của tôi vẫn đúng. Đột ngột, như một bản năng tự phát, tôi rón rén thò tay bắt chú chuồn chuồn tre đang chập chờn trên nóc máy vi tính. Ồ, hỏng rồi. Khi tôi tóm được chiếc đuôi của chú ta, chú ta không bay chập chờn nữa, bởi vì chú ta là tre thuần túy. Thế thì phải thả chú ta ra, để tre thành chuồn chuồn. Lại phải trả về thiên nhiên để chú ta vùng vẫy. Lúc này, nhìn chú chuồn chuồn tre, tôi liên tưởng tới bụi tre. Bụi tre gặp gió, lúc nào cũng có chuồn chuồn bay ra cả đàn. Đàn chuồn chuồn ấy chính là những chiếc lá tre úa vàng sắp rụng. Chúng bay giống chuồn chuồn lắm, không bay thẳng mà cứ rối ren đảo điên cả mắt. Trong một thoáng rất nhanh, chiếc máy vi tính trước mặt hóa thành bụi tre thời thơ ấu. Chú chuồn chuồn trên nóc vi tính là chú chuồn chuồn thật. Chữ bài trên màn hình vi tính là một bầy ong ruồi lúc nhúc. Chúng hoảng loạn vì sợ chú chuồn chuồn xơi tái. Thế đấy, ảo ảnh chỉ một chốc rồi hết. Tôi định thần coi kỹ lại bầy ong ruồi, sửa sai đôi chút bầy ong đó, mà ra bài này.
Cảm ơn ông bạn cho chuồn chuồn. Cảm ơn chú chuồn chuồn tre. Cảm ơn chuồn chuồn thật. Cảm ơn tuổi thơ. Cảm ơn tuổi già. Cảm ơn gió xưa. Cảm ơn quạt máy bây giờ. Và, cảm ơn cả tôi nữa chứ, phải không “bầy ong ruồi của tôi”? Nói thế có đúng không, hả chú chuồn chuồn tre?
NGÔ PHAN LƯU