Có hai chuyện mẹ dạy làm cho tôi dẫu có muốn quên cũng không thể nào quên được. Mở ngoặc một chút, hai chuyện này chắc nhiều bà mẹ khác và các bậc cao niên ngày ấy cũng cùng quan niệm như mẹ, nhưng chả biết họ truyền đạt cho con cháu mình thế nào? Chứ còn với mẹ, toàn là những câu nói hoặc chuyện kể… ấn tượng, nó xoáy vào bộ óc non nớt “nghe gì tin nấy” của tuổi lên năm, lên sáu; hoặc sau này lớn lên, nó gây ấn tượng mạnh bởi chưa thấy trong bài học chính thống có những điều tương tự như mẹ nói! Tôi cũng chẳng rõ đó là phương pháp giáo dục có hình ảnh, hay mẹ thật sự tin như thế rồi chuyển lòng tin của mình sang con cái để cho “chúng” hãi mà không dám lơ là, đặng trở thành người hữu ích?
Câu chuyện thứ nhất: Có thực mới vực được đạo. Cái món “thực” ngày ấy không có gì quan trọng hơn hạt gạo. Những món khác trong dòng họ ngũ cốc cũng có mặt nhưng không thể cạnh tranh nổi với gạo, cho nên cái danh hiệu “hạt ngọc của Trời” là “anh” gạo ẵm trọn, chẳng chia cho ai. Vậy nên, các chị tôi khi rửa bát hay vo gạo nấu cơm, lỡ làm rơi vãi những hạt ngọc ấy lẫn lộn với đất cát bên thềm giếng, thế là mẹ mắng ngay: “Hạt ngọc của Trời, chúng mày dám xúc phạm như thế là Trời phạt làm con giòi nơi cống rãnh, đừng trách”. Eo ôi, thế thì sợ quá, tôi chả muốn làm con giòi, nên chẳng dám coi thường hạt ngọc của Trời từ dạo ấy! Lớn lên, thấy cái chất ngọc trong “Hạt gạo làng ta” của nhà thơ Trần Đăng Khoa, và của ca dao “Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần” thì cái máu bốc đồng trong tôi lại nổi lên: Hạt gạo, có khi còn hơn ngọc ấy chứ...
Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
Câu chuyện thứ hai: Chữ của thánh hiền. Ngày nhỏ tôi hay xé vở dán diều, mẹ rầy la nhưng vẫn còn nhẹ. Đến khi lấy sách làm đòn ngồi thì “liều lượng” mắng mỏ của mẹ tăng lên bất ngờ! Tôi và một anh bạn kéo về nhà bày trò nấu nướng, xé vở cũ ra mà đốt, mẹ đã nặng mặt nhưng vì nể khách của con nên chưa hé răng. Tới khi ngồi vào “dự tiệc”, mỗi người lót một xấp sách vở để ngồi thì mẹ không còn kiên nhẫn nữa, mắng sa sả: “Chữ của thánh hiền, chúng mày gối đầu để học, sao lại đem lót đít?”. Nghe cái chất “cổ” của mẹ, chúng tôi không dám cười, nhưng vẫn rụt rè cãi: “Chữ Nho mới là của thánh hiền, còn đây là quốc ngữ mà mẹ?”. Phản ứng của mẹ làm cho chúng tôi vốn chả còn bé bỏng gì nữa, lại một phen bất ngờ: “Ông nào làm ra chữ để mở mang trí óc con người cũng đều xứng đáng là ông Thánh ông Hiền cả. Loại giấy nào có chữ, không được dùng để lau chùi ô uế, huống chi là ngồi xổm lên đó! Trọng thầy mới được làm thầy. Không trọng chữ thì làm sao trọng thầy? Chúng mày học gì mà những chuyện ấy cũng không biết?”. Hai chúng tôi nhìn nhau, mắc cỡ quá, vội riu ríu kính cẩn bợ xấp sách vở để sang bên. Anh bạn nói nhỏ với tôi: “Những bà mẹ như vầy, con cái nếu có hư hỏng thì quả là chuyện lạ!”. Anh bạn nói có đúng không hay chỉ là xã giao, tôi không dám chắc. Chỉ biết từ đó trở đi, mỗi khi làm gì đụng tới các loại giấy có chữ cũ cũng như mới, tôi đều phải xem xét cẩn thận, không dám ẩu.
Nhớ lại chuyện trước, ngày khai giảng năm học mới, thấy các em nhỏ tinh khôi trong buổi nhập trường, và mấy nhóc cháu nội của mẹ cũng đang tuổi đến lớp, lòng lại bâng khuâng không biết cái “chữ của thánh hiền” trong cảm xúc ban đầu của sắp nhỏ ra sao...
HUỲNH VĂN QUỐC