Tôi không còn nhớ rõ mình quen ông H vào trường hợp nào. Chỉ biết khi tôi gặp ông H lần đầu tiên thì ông ấy đã là một giám đốc tầm cỡ ở lĩnh vực cao su. Công ty cao su do ông lãnh đạo nổi bật lên như địa chỉ ăn nên làm ra nhất trong tập đoàn cao su Việt
Nguồn: photobucket.com
Trong một lần đi công tác, dọc đường Bình Phước, tôi tạt sang thăm ông H. Căn phòng làm việc của ông khá bộn bề, nhưng chỉ có một nơi duy nhất sang trọng là… cái tủ rượu. Ông H bảo: “Cậu muốn uống thứ gì cứ đến mà lấy!”. Không rành lắm về các loại rượu nhãn mác nước ngoài, tôi lò dò xoay hết chai này đến chai kia. Bất chợt tôi à lên vì phát hiện có ba cái kẹo lạc nằm chễm chệ cạnh những chai rượu đắt tiền. Tôi hỏi: “Có trẻ con vào đây chơi à?”. Ông H nhìn mấy cái kẹo rồi nhoẻn miệng cười, cái cười vô tư rất hiếm khi gặp trên khuôn mặt một giám đốc bận bịu như ông: “Của tớ đấy. Tớ mới về miền Trung thăm mẹ. Khi quay lại Sài Gòn, mẹ tớ dúi cho ba cái kẹo làm quà!”. Tôi đùa: “Chắc mẹ ông nghĩ ông vẫn còn 12 tuổi, chứ không phải 52 tuổi!”. Ông H lại toét miệng cười!
Tôi cứ nghĩ sự phát hiện mấy cái kẹo trên tủ rượu của mình đã là chi tiết độc đáo. Vậy mà, khi chở tôi từ Bình Phước về Sài Gòn, anh tài xế của ông H còn cung cấp thông tin hay hơn: “Đợt về quê vừa rồi, lo cúng giỗ gì đó, ông H bị mẹ đánh đấy!”. Tôi nhổm dậy: “Thật à?”. Anh tài xế rành rọt: “Ông H bị mẹ bắt nằm lên giường, quất cho ba roi, vì cái tội dám lớn tiếng với bà con chòm xóm!”
Chuyện đời không ai ngờ được, chỉ một năm sau cái ngày tôi nhìn thấy góc khuất “trẻ con” của ông H thì ông ấy vướng vào một vụ án. Giữa cơ cấu chuyển đổi mô hình kinh tế, ông H đã mắc sai phạm. Ông thuê một đội ngũ luật sư hùng hậu để bảo vệ quyền lợi cho mình. Ngày đầu tiên xét xử, ai cũng tin ông trắng án. Khi phiên tòa ngày thứ hai vừa khai mạc, ông H đứng lên giãi bày: “Thưa quý tòa, tôi vừa nhận được tin mẹ tôi mất đêm qua. Ngày xưa mẹ tôi tiễn tôi ra chiến trường, đạn bom không làm gì được tôi, nhưng không ngờ tôi bị quật ngã giữa thời bình. Tôi xin quý tòa dời ngày xét xử, để tôi được về quê chịu tang mẹ!”. Sau một thoáng im phăng phắc, tất cả những người có mặt trong pháp đình đều bày tỏ sự đồng tình hoãn phiên tòa. Tôi cũng có mặt lúc ấy, và chợt nghĩ một người con hiếu thảo như ông H có thể là một giám đốc bất cẩn, nhưng không thể là một người bạn bất nghĩa hay một công dân bất lương!
Một người bạn vong niên nữa của tôi là ông C, doanh nhân Việt kiều rất thành công ở Texas, Hoa Kỳ. Ông C có một người mẹ già ở Quảng Ngãi. Không có cơ hội gần gũi bên mẹ già, nhưng ông đều đặn gọi điện thăm hỏi và phụng dưỡng thân mẫu rất chu đáo. Năm ông C bước qua tuổi 60 thì mẹ ông lặng lẽ qui tiên. Vội vàng bay về Việt Nam, vừa đến nơi tổ chức đám tang mẹ, ông C thấy hàng chục người lạ mặt khóc đứng khóc ngồi. Cũng đọc nhiều tin tức, ông C hầm hầm gọi các em vào hỏi: “Đứa nào bày ra cái trò này?”. Các em ngơ ngác, ông C nhấn mạnh: “Nhà mình có tiền, nhưng không thể dùng tiền để thuê người khóc mẹ!”. Cảm giác bị vu oan, các em ông C nhao nhao phản đối: “Tụi em không làm vậy. Những người khóc ngoài kia đều là láng giềng xung quanh! Họ biết mẹ mình mất nên kéo đến, chứ không ai thuê hay nhờ vả cả!”. Ông C tạm nguôi, nhưng vẫn còn hồ nghi lắm. Đến sáng hôm sau, hàng chục vòng hoa và điện chia buồn gửi đến, mà toàn là những đơn vị từ thiện. Ông thắc mắc: “Mẹ tôi ở quê, hồi trước làm ruộng, cả chục năm nay có bước chân ra khỏi lũy tre làng đâu, tại sao lại có nhiều người phúng điếu và chia buồn như vậy?”.
Sau mấy ngày “mở cuộc điều tra”, ông C biết được một sự thật. Thì ra, số tiền mà ông gửi về chu cấp hàng tháng, mẹ của ông chỉ tiêu xài một ít, còn lại bà mang giúp đỡ những người nghèo khó. Trước hết là giúp những người xung quanh, sau đó gửi giúp các tổ chức từ thiện. Vì vậy đám tang một cụ bà vô danh ở một vùng nông thôn hẻo lánh nhận được rất nhiều sự tiếc thương và bái vọng.
Ngày chia tay quay trở lại Hoa Kỳ, ông C mới kể lại câu chuyện “kỳ lạ” ở đám tang mẹ ông cho bè bạn nghe. Nhìn ông C, một người không những giàu có trên đất khách mà còn đầu tư xây dựng thương hiệu trà bậc nhất hiện nay tại Việt Nam, vừa kể vừa lau nước mắt, ai cũng xúc động. Nhà doanh nghiệp Nguyễn Tiến Toàn chia sẻ: “Ông có một người mẹ vĩ đại!”. Ông C khe khẽ gật đầu: “So với mẹ tôi, đời tôi thật nhỏ bé!”.
VĂN NGỌC