Thứ Năm, 07/11/2024 18:15 CH
Về làng Bát Tràng
Thứ Tư, 20/02/2008 07:24 SA

Chuyện kể rằng vào thời nhà Lý, có ba vị thái học sinh là Hứa Vinh Kiều,  Đào Trí Tiến và Lưu Phương Tú đi sứ sang Bắc Tống, khi về qua Quảng Đông (Trung Quốc) đã học được nghề làm gốm và truyền lại cho quê hương.

 

080220-Bat-Trang.jpg

Làm gốm ở Bát Tràng - Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Hứa Vinh Kiều truyền cho Bát Tràng nước men rạng trắng. Đào Trí Tiến truyền cho vùng Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang) nước men màu vàng đỏ. Lưu Phương Tú truyền cho Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) nước men màu vàng thẫm. Từ ba vị thái học sinh này mà nghề gốm đã hình thành và phát triển cho đến ngày nay.

 

Người ta không tìm thấy tư liệu về ba vị thái học sinh ấy. Nhưng nếu họ không có công ơn thì nhân dân đã không ca ngợi và câu chuyện về họ cũng không truyền được cho đến tận ngày nay.

 

Tôi đã đến chợ Bát Tràng, ngắm những mẫu hàng gốm đẹp mắt, phong phú và đa dạng bày la liệt trong các cửa hàng. Từ bát đĩa, ấm chén, lư hương, lộc bình, chậu hoa, tranh gốm đến cả những hình người đủ kích cỡ đều được làm từ đất. Phải, từ đất mà ra cả. Ở Bát Tràng (thuộc huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) có đất là có thể sống tốt. Nhà nhà làm gốm, người người làm gốm. Đất là nguồn thu nhập chính của người dân trong xã.

 

Bạn đã từng xem quy trình làm gồm? Ngày xưa một người làm từ đầu đến cuối một sản phẩm gốm, còn ngày nay tất cả các khâu đều có sự chuyên môn hóa. Sản phẩm làm ra ngày càng đẹp mắt. Ngày xưa, người ta nung gốm bằng củi, bằng than, ngày nay người ta dùng ga, vừa nhanh vừa đều nhiệt. Ngày xưa người ta lấy đất ở những vùng lân cận, ngày nay người ta lại dùng tàu chở đất ở những tỉnh xa xôi, thậm chí nhập khẩu để có những loại đất tốt hơn. Có cầu thì có cung. Khi đời sống vật chất của người dân được nâng cao, nhu cầu về tinh thần cũng theo đó mà tiến bước. Người ta ngày càng có nhu cầu “chơi sang” và sản phẩm gốm sứ do vậy phải ngày càng đáp ứng được yêu cầu về chất lượng lẫn số lượng cung ứng cho thị trường.

 

Tôi có người bạn trong làng gốm. Khi đến xưởng gốm thăm thú công việc của anh, thấy ai cũng lem nhem  đất, tôi hỏi: “Công nhân của mình làm việc thế này, lương có đủ sống không?” Anh bạn tôi cười: “Không đủ thì họ làm cho à? Mỗi người trên dưới một triệu đó cô. Tùy thuộc vào khâu họ làm có vất vả hay không, khéo léo hay không mà trả lương chứ. Với lại toàn là anh em, mình không trả lương đúng thì họ kêu mình bạc!”

 

Mà đúng. Ở Bát Tràng, người ta thường kinh doanh theo mô hình gia đình. Xưởng nhỏ xưởng lớn có, nhưng xưởng trung bình thì nhiều hơn cả, người ta huy động anh em đến tập trung làm ăn. Bẩn thì bẩn, vất vả thì có vất vả nhưng đời sống cũng không “đát” lắm đâu. Anh bạn tôi nửa đùa nửa thật để giải đáp thắc mắc của tôi. So với ở quê, thu nhập của những người thợ gốm tại đây là khá cao. Ở quê, người ta làm việc mỗi ngày hơn mười giờ đồng hồ. Ở đây tuy không nghỉ ngơi tùy ý nhưng cũng chỉ làm đủ tám tiếng, không hơn không kém. Công việc ổn định, đời sống ổn định.

 

Tôi vào chợ gốm Bát Tràng, chợ gốm mới hình thành cách đây bốn năm. Không thiếu mặt hàng nào cả. Có thể nói nếu trong xưởng có mẫu nào mới, thì ngoài chợ cũng có mẫu đó. Xe nhỏ xe to từ các nơi đổ về chợ lấy hàng mang đi tiêu thụ. Sinh viên thì đi xe máy hoặc xe buýt đến mua đồ về dùng. Điện thoại cho nhau í a í ới, mua giùm nhau thứ nọ thứ kia. Có thể nói, từ đắt tiền đến rẻ tiền, thứ nào cũng có. Mấy cô cậu sinh viên xúm xít mua những hạt vòng về xâu, hoặc đi thực tế tham quan để viết bài thu hoạch. Có khi chỉ đến chơi, lướt qua mỗi cửa hàng một chút rồi về theo kiểu đi cho biết. Nhưng nhớ phải cẩn thận, vì hàng bày la liệt, sơ sẩy một chút là động đổ. Đổ rồi thì vỡ, không đền không được. Xem chán, không mua cũng được. Các bà các chị mời chào thế cho có lệ thôi, còn nói thách thì rất ít. Mua đồ gốm ở Bát Tràng, gần như bạn đã đi mua hàng với giá gốc rồi đó. Bát Tràng mà nói thách thì ở đâu mới không nói thách đây?

 

Rời  Bát Tràng, chúng tôi mỗi người “thồ” một túi đồ gốm to đùng, toàn những vật dụng gia đình. Rẻ và rất đẹp, phải tranh thủ kẻo khi cần đến lại lịch kịch đi mua.

 

NGÔ NGỌC TRANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Có một ngày dài lên như nắng …
Thứ Ba, 12/02/2008 13:05 CH
Ngồi yên trước hiên nhà
Thứ Ba, 12/02/2008 07:00 SA
Đếm Tết
Chủ Nhật, 10/02/2008 09:00 SA
Hương tết giữa đồng
Thứ Bảy, 09/02/2008 20:05 CH
Áo ông ngày xưa dài lắm
Thứ Bảy, 09/02/2008 09:00 SA
Tản mạn… chuột!
Thứ Năm, 07/02/2008 20:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek