Thứ Năm, 07/11/2024 20:24 CH
Đếm Tết
Chủ Nhật, 10/02/2008 09:00 SA

Còn một tháng nữa là đến Tết”. Ngày đó, lũ trẻ chúng tôi thường hay bắt đầu đếm Tết như vậy. Thậm chí, có đứa còn muốn… ăn Tết sớm hơn, bắt đầu đếm từ đầu tháng 11 âm lịch của năm trước. Người lớn bảo, muốn có Tết cứ nhìn vào trẻ con quả không sai. Khi hoa mai, hoa vạn thọ chưa lên búp, việc sắm sang áo quần mới cũng chưa, chỉ việc đếm ngày trông Tết của trẻ đã thấy... rộn ràng.

 

1-TRE-CON.jpgNhưng, Tết dường như đã đến thực sự, không phải vào ngày mồng Một hàng năm, mà bắt đầu vào ngày 12 tháng Chạp âm lịch – ngày giỗ Tổ thợ may. Vào ngày đó, pháo nổ rộ, pháo rộn ràng, hương pháo cũng chính là hương xuân, hương Tết. Lũ trẻ chúng tôi thường co giò chạy ngay đến nơi nào có tiếng pháo vừa nổ để... tranh nhau nhặt pháo lép. Những ngày Tết khi đó của chúng tôi, tuy đất nước đã hòa bình thống nhất, nhưng đời sống còn khó khăn lắm. Không biết có phải vậy hay không mà pháo Nam Ô, pháo Chiến Thắng loại trung, loại tiểu cứ một phong thể nào cũng có đến hàng chục viên không nổ! (Thậm chí có khi pháo rơi xuống chưa kịp nổ đã bị bọn chúng tôi chụp tắt tim; có đứa ham hố bỏ pháo vào túi áo chừng vài giây sau pháo phát nổ, rách cả túi!).

 

Chừng 20 tháng Chạp, cứ ngỡ Tết đã đến bén gót rồi. Nhà nào cũng rộn ràng. Không, đúng hơn là cả xóm rộn ràng. Các bà các cô tụm lại, lũ trẻ nít chúng tôi cũng chụm lại. Hàng xóm láng giềng cùng nhau làm rim bí, rim gừng, rim khoai lang... Cả xóm luân phiên nhau mấy cái khuôn bánh thuẫn, bánh kẹp vừa mượn từ xóm khác về. Bởi vậy, người lớn có vẻ tất bật với chuyện Tết lắm. Hình như tay trái lo chuyện Tết, tay phải cũng làm chuyện Tết, không rảnh rang. Lũ nhỏ nhỏ như chúng tôi, không ai giao việc, cũng “xung phong” tình nguyện xăm rim. Những cây xăm bằng sắt nhọn lủa tủa đôi khi cắm phập vào tay tóe máu, đau nhưng chẳng đứa nào khóc bởi nếu chảy nước mắt thì… còn gì là Tết nữa. Đến công đoạn xên rim (má tôi thường gọi là “theo rim”, vì phải ngồi hàng giờ dùng vá múc nước đường đổ lên  các củ gừng, lát bí, lát khoai đã được cắt, được cấn khía đẹp mắt, cho đến khi khô lại), anh em trong nhà cũng giành nhau. Đơn giản không chỉ vì đó là việc làm đầy tính… Tết, mà còn bởi tranh thủ để “nếm” chút nước đường, để được sở hữu cái chảo đường khô mà… nạo sau khi “theo” xong rim.

 

Quãng 27 Tết, cả xóm lại rủ nhau “dang tay” làm heo. Hồi đó, người ta tính một đội sản xuất (của hợp tác xã) tùy theo số khẩu của hộ xã viên mà được làm bao nhiêu con heo. Bởi người lớn bận rộn, nên lũ trẻ chúng tôi cũng được “đặc phái” xách giỏ lác đi nhận thịt. Bình thường ngoài chợ, người ta có thể mua gian bán lận, chứ ngày Tết chia thịt heo thì không. Nhà nào cũng có phần xương, phần thịt đầu, phần ba chỉ, phần lòng... Riêng người đi nhận thịt còn được thưởng thức món cháo huyết nóng hôi hổi tại chỗ.

 

Người lớn thường nói với nhau vào ngày cuối cùng của năm cũ: Vậy là hết Tết. Ý rằng mọi rộn ràng, mọi lo toan cho tết đã hết rồi thì Tết cũng hết. Nhưng với lũ chúng tôi, ngày cuối cùng của năm là ngày đặc biệt nhất. Thời gian có vẻ như trôi đi thật chậm. Chỉ hết ngày hôm đó là tới Tết mà chờ mãi thấy vẫn không hết ngày. Buổi tối cuối năm, làng xóm chưa có điện, nhưng hình như nhà nào cũng thắp hết đèn trong nhà, thức khuya một chút. Tới giờ giao thừa, pháo nổ tứ phía, đây đó ở phía chân trời có những đám sáng lóa mà ba tôi cho biết là người ta đang đốt chiếu sáng (dùng thuốc súng đốt). Giao thừa kéo dài trong khoảng nửa giờ đồng hồ. Kể từ giờ khắc đó cho tới sáng, thường chúng tôi thao thức chờ Tết, không thể ngủ được nữa…

 

Sáng mồng Một, tự dưng thấy khung cảnh quanh quanh đâu cũng… Tết. Người lớn thường cấm tiệt chúng tôi không cho đến nhà người khác cho đến khi mặt trời lên thật cao. Má tôi bảo phải giữ kỹ như vậy vì nếu đến xông đất đầu năm nếu mình không hên thì “nẫu” đổ thừa cả năm. Bởi vậy, chúng tôi thường mặc đồ mới, ngồi bên hàng rào nhà mình chĩa miệng sang nhà mấy đứa hàng xóm để... hỏi thăm, để kể với nhau về đêm giao thừa, để bàn chuyện chút xíu nữa đây sẽ rủ nhau vô chợ ăn chè đậu đen đá, đi tàu bay có máy nổ, chơi lô tô...

 

Kể từ đó, mỗi giờ qua đi là mỗi lần tiếc nuối đối với chúng tôi, bởi Tết trôi qua sao thật nhanh, thật chóng vánh. Chỉ vài ngày là lại phải cắp sách đến trường, phải học thuộc bài để thầy cô kiểm tra...

 

Quốc Nguyễn

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Có một ngày dài lên như nắng …
Thứ Ba, 12/02/2008 13:05 CH
Ngồi yên trước hiên nhà
Thứ Ba, 12/02/2008 07:00 SA
Hương tết giữa đồng
Thứ Bảy, 09/02/2008 20:05 CH
Áo ông ngày xưa dài lắm
Thứ Bảy, 09/02/2008 09:00 SA
Tản mạn… chuột!
Thứ Năm, 07/02/2008 20:00 CH
Mùa xuân ngọt ngào
Thứ Năm, 07/02/2008 18:28 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek