Tối mùng Ba, có khi chỉ mới tối mùng Hai tết, bọn nhỏ chúng tôi chơi tết chưa đã, vẫn còn mặc bộ quần áo mới, pháo chuột còn đầy túi chưa đốt hết, đã nghe ba tôi dặn: “Sửa soạn sớm mai tết bò”. Tôi biết vậy là hết Tết, phải theo người lớn ra đồng rồi.
Ra đồng - Ảnh: HIẾU NGỌC
Tết bò phải khiêng bàn ra sân, bày gần phía chuồng bò để cúng. Trong các món bánh trái, thì không thể thiếu bánh tét. Má tôi đã gói riêng bánh tét cho bò, mỗi con được chia phần một cái. Cả mấy con nghé cũng có phần, gọi là bánh nghé. Bánh nghé thì nhỏ hơn, chỉ bằng phân nửa bánh lớn. Chờ ba tôi khấn vái xong, tôi với anh tôi lục ra xấp vàng mã, thi nhau phết bột vào giấy vàng rồi dán lên sừng bò, mỗi con cũng được một miếng. Mấy nghé con chưa có sừng thì được dán ngay giữa trán, mắt chúng cứ tròn xoe không biết cậu chủ làm gì.
Thường tết bò xong, là ra đồng cắt lúa. Người lớn quảy thúng gióng đi trước. Bọn nhỏ lùa bò theo sau. Đứa nào cũng tranh thủ xí phần để đeo trên vai một chiếc bánh nghé cột bằng dây chuối. Cho oách. Mấy con bò đứng lâu trong chuồng rần chân, giờ lồng lên nhảy rửng mỡ, ù ò gọi nhau. Hăng nhất là mấy con bò đực mới phát ụ ngứa sừng, cứ giáy đầu vào mấy bụi cây. Chỉ vài lần vậy là tờ giấy vàng mới dán khi sáng rơi ra.
Ruộng lúa đang chín ở bên kia sông, trên cánh đồng mênh mông giáp tận chân núi. Hồi đó, ruộng 2 vụ lấy nước từ mương dẫn thủy còn ít. Nhà tôi cùng bà con trong xóm phải làm thêm ruộng 1 vụ, còn gọi là ruộng nước trời. Tôi nhớ mấy năm còn làm lúa gòn, thứ lúa cao đến ngực người lớn, chúng tôi đánh trận giả còn núp vào đó được. Giống lúa này giờ tuyệt giống. Ruộng nhà tôi làm không nhiều, nhưng ba tôi thường kêu cô bác chú dì, có người ở tận miệt biển, về cắt phụ. Đến trưa là vui nhất. Má tôi bưng thúng thức ăn gánh theo hồi sáng bày ra chiếc nia tròn vốn dùng để giê lúa. Mọi người nghỉ tay ngồi quây lại. Có mấy người trong xóm ở mấy đám ruộng chung quanh cũng được mời đến ăn cho vui. Nia thức ăn có đủ thứ: thịt, dưa, bánh tráng, cốm mứt... Ai cũng gật gù rằng: Hôm nay ăn thế này mới ngon. Mấy bữa tết làm nhiều món quá, thấy cái gì cũng ớn. Hương tết trong bữa ăn giữa đồng ngất ngây mùi lúa chín, trong tiết trời nắng ấm đầu xuân, nghe thật rộn rạo.
Xế chiều mấy anh chị thanh niên làm hăng hái hơn cả. Đấy là họ muốn xong việc sớm để về chuẩn bị coi hát. Mùa tết nào, cũng có đoàn cải lương về xã diễn. Mới nửa buổi chiều, tiếng loa rao hát di động từ xóm ngoài đã vọng vào tiếng được tiếng mất. Mọi người dỏng tai lên đoán sẽ diễn tuồng gì, nhưng đoán mãi chẳng ra. Bọn nhỏ chúng tôi cũng dỏng tai thích thú không kém gì các anh chị lớn. Mấy anh chị lớn đi coi hát thì ít nhưng để tán tỉnh hẹn hò thì nhiều, còn bọn tôi chẳng mấy để ý chuyện tuồng tích lâm ly, ai ca thanh ca mùi, mà chỉ khoái mấy màn đánh võ đánh kiếm...
Quê tôi bây giờ không còn mùa lúa chín sau tết. Cánh đồng ngày xưa từ lâu đã thành ruộng hai vụ, đồng mía và những xóm làng ấm áp. Cái cảnh đồng không mông quạnh để thả bò đàn gần ba mươi năm trước biến mất không để lại một dấu vết nào. Như thể nó chưa từng có vậy. Tôi về chúc tết, bà con ai cũng kể chuyện cắt lúa tết ngày trước. Bọn cháu tôi tủm tỉm nháy mắt với nhau, buồn cười nhỉ, chắc là chú quá chén! Dân thành phố cũng bày đặt kể chuyện nhà quê.
Hiếu Ngọc