Rất sợ qua đi cái nắng tháng chạp ngọt ngào tựa như mật ong, bổi hổi bồi hồi như lòng thiếu nữ ở tuổi dậy thì trước mỗi độ xuân về; và cũng sợ qua đi màu nắng tháng giêng như người đẹp sợ sắp phải bước vào ngưỡng tuổi ba mươi, ngoái đầu nhìn lại thấy luyến tiếc những gì đẹp đẽ nhất, thăng hoa nhất cứ dần trôi qua không tái đắc; tôi vội vàng tranh thủ viết một bài về Mai trong một ngày sắp hết tháng giêng.
Làng tôi, một ngôi làng được định hình từ mấy trăm năm nay nằm dưới chân núi Chóp Chài uy nghi, sừng sững đứng ở xa trông như dáng một con rùa khổng lồ, đầu quay ra biển Đông bao la hùng vĩ. Ở nơi lưng chừng núi từ xa xưa đã hiện hữu những ngôi chùa cổ kính, trầm mặc đó là chùa Bửu Lâm, chùa Khánh Sơn, chùa Minh Sơn và chùa Hang. Ngôi chùa nào ở đây cũng trang hoàng, cảnh chùa nào ở đây cũng gợi nhiều thi hứng cho thi nhân gần xa mỗi dịp đến vãn cảnh. Và nét độc đáo của nhũng ngôi chùa này là ở chỗ nó được tọa lạc ở những vị trí khá đặc biệt tức là nơi không cách biệt khu dân cư những cũng không gần lắm cái nơi nhà người chen chúc ồn ào; để mỗi khi chiều về khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống khắp các cánh đồng Phước Hậu, Thanh Đức, Minh Đức, Ngọc Phong, tiếng chuông chùa chợt ngân vang, êm ả, thái hòa đến từng ngõ nhỏ, đến từng nóc nhà của người dân ở nơi cạnh chùa. Tiếng chuông chùa như muốn nhắc nhở mọi người nên sống nhân ái hơn, độ lượng hơn trong mối quan hệ tình làng nghĩa xóm.
Có lẽ nhờ cái hồng phúc của các bậc tiền hiền để lại cho lớp lớp con cháu mà người làng Phước Hậu quê tôi có được nhiều cái may mắn hơn so với những làng khác cận kề. Làng Phước Hậu được giới văn nghệ sĩ của cả nước biết đến nhờ tác phẩm văn chương khá nổi tiếng, đó là trường ca “Ở làng Phước Hậu” của chiến sĩ, thi sĩ Trần Vũ Mai sáng tác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm này đã được Hội nhà văn Việt
Có quá lắm không khi thi sĩ, chí sĩ Cao Bá Quát thuở xưa từng buông lời ca tụng giá trị thẩm mỹ tuyệt vời của hoa Mai bằng một câu thơ bất hủ: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Là một bậc túc nho, và là một nhà thơ lãng mạn cổ điển ở thế kỷ mười chín hẳn ông biết thưởng thức nét đẹp kiêu hãnh ẩn chứa trong mỗi cánh Mai vàng một cách tường tận, sâu thấm nên mới có được câu thơ để đời ấy về Mai.
Còn tôi, cũng như bao nông dân ở Phước Hậu biết cách thức trồng Mai, tạo ra những chậu Mai đẹp để mà mưu sinh, và để thưởng ngoạn trong ngày tết Nguyên Đán cổ truyền. Tôi biết ơn cây Mai đã cứu giúp gia đình tôi qua những cơn lận đận túng bấn của những cái Tết năm trước, và tôi cảm ơn cây Mai đã giúp tôi luôn ý thức về việc giữ gìn, nâng niu bảo trọng cái Đẹp, cái thuần mỹ toát ra từ những nụ Mai vàng trong ngày đầu Xuân. Tạ ơn trời và đất đã hòa quyện nhau đem đến cho loài người mùa Xuân, mùa đẹp nhất trần gian, nó đã tạo ra cái sắc màu Hoàng Mai thanh khiết, sung mãn để cho con người trong ngày Xuân được vui hơn, được gắn bó nhau hơn mỗi khi ngồi ngắm hoa Mai nở vàng trong ba ngày Tết, và từ đó sẽ biết ngẫm nghĩ về tình thương yêu, đùm bọc, chia sẻ cho nhau những nỗi buồn niềm vui trong mỗi thân phận con người.
Tùy bút của Khuê Việt Thanh