Thứ Ba, 26/11/2024 13:26 CH
Ngành may xuất khẩu:
Nhiều tín hiệu vui
Thứ Hai, 24/06/2013 07:35 SA

Từ đầu năm đến nay, ngành may xuất khẩu Phú Yên có sự khởi sắc nhờ tìm thêm được thị trường tiêu thụ và có những đơn hàng lớn. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nhân công khiến các doanh nghiệp phải chạy đua tìm kiếm lao động.

 

may130624.jpg

Đào tạo nghề cho lao động được các doanh nghiệp may xuất khẩu quan tâm để bổ sung lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất mở rộng - Ảnh: N.XUÂN

THỊ TRƯỜNG RỘNG MỞ

Trước nhu cầu mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp may xuất khẩu, ước tính số lao động còn thiếu lên đến gần 1.500 lao động, mới đây Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Phú Yên (Sở Công thương) đã hỗ trợ 600 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công quốc gia đợt 1/2013 cho 4 doanh nghiệp may xuất khẩu để đào tạo 400 lao động, góp phần giải quyết khó khăn về thiếu hụt lao động cho các doanh nghiệp.

Theo Sở Công thương Phú Yên, trong 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp may xuất khẩu của Phú Yên về cơ bản đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhờ ký được nhiều đơn hàng và đang mở rộng quy mô sản xuất. Số lượng sản phẩm may mặc hơn 3,3 triệu sản phẩm, đạt gần 56% kế hoạch năm, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường xuất khẩu hàng may mặc truyền thống vẫn là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước châu Á.

Ông Bùi Xuân Khương, Phó giám đốc Công ty cổ phần An Hưng cho biết: Các đối tác nước ngoài ngày càng quan tâm đến hệ thống quản lý chất lượng, tác phong làm việc và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động. Những đơn vị hội đủ tiêu chuẩn sẽ được đối tác tin tưởng giao nhiều đơn hàng lớn. Trong 6 tháng đầu năm, Công ty cổ phần An Hưng đã nhận được rất nhiều đơn hàng mới với khoảng 500.000 sản phẩm; đảm bảo sản xuất ổn định đến quý III/2013. Trong 5 tháng đầu năm, doanh thu của đơn vị đạt 48 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012. Công ty phấn đấu đạt doanh thu 100 tỉ đồng trong năm nay.

Đối với những doanh nghiệp may vừa và nhỏ khác, tình hình sản xuất cũng khá ổn định. Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc DNTN Phúc Phong chia sẻ: Tình hình ảm đạm của ngành may mặc tạm thời kết thúc. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã nhận được nhiều đơn hàng hơn. Nếu như năm trước, doanh nghiệp chỉ sản xuất theo từng tháng thì năm nay đơn hàng dồi dào, ổn định đến hết tháng 8/2013.

Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Phú Yên mới đầu tư vào ngành may xuất khẩu nhưng kết quả kinh doanh khá tốt. Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu ngành may ước đạt 5 tỉ đồng. Phấn khởi với kết quả đạt được, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc công ty này cho biết: Trong năm nay, đơn vị sẽ đầu tư thêm một phân xưởng với 10 chuyền may sẽ giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động địa phương.

may3130624.jpg

Các doanh nghiệp may xuất khẩu tăng thêm lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường - Ảnh: N.XUÂN

TÌM THÊM LAO ĐỘNG

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2013, Công ty cổ phần An Hưng sẽ đưa Xí nghiệp may An Phát tại xã Hòa Phong (Tây Hòa) vào hoạt động với quy mô 18 chuyền may, nâng tổng số chuyền may của doanh nghiệp lên 43 chuyền. Dự kiến, số lao động cần tuyển cho Xí nghiệp may An Phát lên đến cả ngàn lao động. Công ty cổ phần An Hưng đang gấp rút chuẩn bị tuyển và đào tạo lao động để phục vụ cho xí nghiệp mới. Những người có tay nghề khá sẽ được doanh nghiệp gửi đi tập huấn nâng cao trình độ để làm thợ chính hoặc giữ vai trò cán bộ quản lý.

Theo ông Bùi Xuân Khương, khi làm việc trực tiếp với các đối tác nước ngoài, các quy trình sản xuất, điều kiện lao động, chất lượng sản phẩm cũng như tiến độ giao, nhận hàng đều có những yêu cầu rất cao. Điều này buộc đơn vị phải quản lý lao động nghiêm chặt theo từng công đoạn sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như tiến độ công việc. Đây là khó khăn của doanh nghiệp vì lao động ở nông thôn chưa thực sự quen với tác phong công nghiệp. Do vậy, khi đào tạo lao động mới, ngoài việc chú trọng đến tay nghề, doanh nghiệp còn quan tâm nâng cao nhận thức cho người lao động về tác phong làm việc công nghiệp. Ngoài ra, đơn vị này còn đảm bảo các chính sách, chế độ làm việc của công nhân để thu hút và giữ chân lao động.

DNTN Phúc Phong cũng đã mở thêm một xưởng may với gần 100 lao động để đón đầu sự phát triển của thị trường may mặc. Ông Nguyễn Văn Thường, nói: Ở khu vực nông thôn, mặc dù nguồn lao động luôn sẵn có nhưng ước tính sau mỗi năm, lượng lao động bỏ việc, “nhảy” việc chiếm từ 20% đến 30%. Do vậy, Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may xuất khẩu luôn phải chủ động tìm, đào tạo bổ sung nguồn nhân lực với nhiều chế độ đãi ngộ mới mong giữ chân được công nhân.

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek