Trong bối cảnh chung của cả nước đang triển khai tái cơ cấu kinh tế, Phú Yên cũng đã xây dựng đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế. TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) có bài “Tham vấn với Phú Yên đăng trên báo Đầu tư. Báo Phú Yên giới thiệu cùng bạn đọc.
Tiềm năng cảng Vũng Rô chưa được khai thác đúng mức - Ảnh: N.TRƯỜNG
VÀI GHI NHẬN VÀ NÓI RÕ THÊM
Thời gian qua, cơ cấu kinh tế của Phú Yên có những chuyển biến tích cực, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đã chiếm tỉ trọng cao so với nông nghiệp.
Tuy nhiên, công nghiệp ở Phú Yên hầu hết vẫn là những ngành thâm dụng lao động và tài nguyên, nên hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế không cao. Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp cho tăng trưởng nông nghiệp tương đối cao (53,43%), nhưng trong công nghiệp chỉ chiếm 22,01% và dịch vụ 13,6%.
TFP đóng góp cho tăng trưởng chung của nền kinh tế Phú Yên trong giai đoạn 2001-2010 cao hơn cả nước (21,7% của Phú Yên so với mức bình quân 19,6% của cả nước). Việc tác động để cơ cấu kinh tế tỉnh chuyển đổi sang một cơ cấu có các ngành sản xuất và dịch vụ có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, nâng cao tỉ trọng đóng góp của TFP trong tăng trưởng GDP đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Với nguồn lực hiện tại của mình, Phú Yên không có khả năng tăng trưởng nhanh, cũng như không thể chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại trước năm 2020.
Do đó, trước mắt, Phú Yên cần tìm kiếm các nguồn lực từ bên ngoài, thông qua thu hút các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án lớn, hàm lượng khoa học - công nghệ cao. Việc thu hút các dự án lớn có thể thực hiện với một số điều kiện đảm bảo cho nhà đầu tư các yếu tố về ổn định vĩ mô, các nguồn tài nguyên, đặc biệt là đất đai và vị trí địa lý dải ven biển, nguồn lao động có chất lượng cao, các chính sách khuyến khích, ưu đãi…
Nếu thực hiện thành công việc thu hút các dự án lớn, Phú Yên sẽ có điều kiện tăng trưởng nhanh, đạt mục tiêu của quy hoạch tổng thể tỉnh đề ra: phấn đấu đến 2020, GDP bình quân đầu người của Phú Yên đuổi kịp mức trung bình cả nước. Đồng thời, với sự tham gia của các dự án có vốn FDI lớn, sẽ có sự du nhập công nghệ hiện đại, góp phần quyết định tăng hàm lượng khoa học - công nghệ trong sản phẩm của Phú Yên, góp phần nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ...
Mục tiêu cuối cùng của chuyển dịch cơ cấu kinh tế là xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại, trong đó cơ cấu kinh tế nội địa là chủ lực.
Cần chuẩn bị không gian phát triển cho tỉnh: phát triển liên kết theo chiều dọc (Bắc - Nam) gồm liên kết giữa các tỉnh ven biển miền Trung. Đây là một liên kết quan trọng, có ý nghĩa phối hợp đem lại hiệu quả phát triển cao cho các tỉnh trong vùng. Phát triển theo chiều ngang (liên kết với Tây Nguyên và thông sang Campuchia) được Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên quan tâm, các tỉnh ven biển cũng đều chú ý hướng liên kết này. Phú Yên cần có một hậu phương rộng lớn phía tây, mà tỉnh là cửa ngõ ven biển để phát triển nhanh và bền vững.
Không gian phát triển cho Phú Yên về phía nam phải nhìn trong mối liên kết với cảng Vân Phong. Cảng Vũng Rô hiện tại mới chỉ phục vụ cho nhu cầu địa phương, tương lai có thể trở thành cảng du lịch. Thay vào đó, cảng Bãi Gốc là cảng chuyên dụng, trước mắt phục vụ cho nhà máy lọc hóa dầu, có thể sử dụng phối hợp với cảng Vân Phong (chỉ cách nhau 30km). Việc tạo hậu phương cho hệ thống cảng Vân Phong - Vũng Rô là lý do để đầu tư nâng cấp Quốc lộ 29 đi lên Đắk Lắk, quốc lộ 25 đi lên Gia Lai cùng với việc chọn tuyến đường sắt gần nhất từ miền Trung lên Tây Nguyên.
Về phía bắc, cần có quy hoạch liên kết khu vực TX Sông Cầu với phía nam Bình Định tới Quy Nhơn.
Cần xác định ngay từ đầu là, lực lượng tham gia góp phần vào cân bằng tỉ trọng kinh tế nội địa sau năm 2020 là các doanh nghiệp Phú Yên, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) có vai trò rất quan trọng. Cần có chính sách lâu dài để phát triển đội ngũ DNVVN với số lượng đủ lớn và hoạt động hiệu quả.
GỢI Ý MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ
Trước hết, xét về mặt tư duy và quan điểm phát triển. Hơn lúc nào hết, Phú Yên cần đổi mới theo xu hướng của thế giới là toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; là phát triển nhanh, nhưng phải bền vững; đặt lên hàng đầu yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Việc coi trọng nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao ở mọi lĩnh vực và cấp độ, gắn với vận dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, trang bị tri thức mới thông qua xây dựng và vận hành thể chế tiến bộ là yếu tố quyết định của sự phát triển và chuyển dịch kinh tế.
Phát huy lợi thế so sánh nổi bật của Phú Yên (có vị trí địa lý thuận lợi giao lưu với bên ngoài cả đường bộ, đường biển, đường sắt, đường không và tiềm năng đất đai dải ven biển, nội địa còn lớn), kết hợp với thu hút mạnh nguồn vốn FDI, kèm theo chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản trị hiện đại, trước mắt là Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô, để tạo cú hích ban đầu.
Hai là, Phú Yên cần tạo sự khác biệt về cơ cấu kinh tế của mình so với các tỉnh trong vùng, phù hợp với điều kiện và tiềm năng, khả năng về mọi mặt, để từ đó tạo ra sức cạnh tranh trong tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Nông nghiệp, thủy sản cần tập trung áp dụng công nghệ cao với năng suất, chất lượng cao và sản phẩm sạch. Công nghiệp chế biến, tiểu thủ công... cũng theo hướng đó và chuyển mạnh sang chế tạo tinh xảo để nhanh chóng có giá trị gia tăng lớn. Toàn nền kinh tế nên được hướng mạnh vào kinh tế tri thức, kinh tế xanh thân thiện với môi trường trong những ngành và lĩnh vực, khu vực có điều kiện; coi việc tạo ra giá trị gia tăng lớn là tiêu chí quan trọng nhất để lựa chọn ưu tiên ngành, nghề, sản phẩm, địa bàn, loại hình doanh nghiệp. Sự khác biệt đó cũng cần và có thể tạo ra ở lĩnh vực giáo dục, với sự thay đổi cơ bản và toàn diện để thật sự có một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, mà sản phẩm của nó là những con người có chất lượng cao cả về trí tuệ, nhân cách, kỹ năng sống và làm việc đáp ứng được yêu cầu.
Ba là, Phú Yên nên nắm vững và vận dụng phù hợp các thể chế do Trung ương quy định và mạnh dạn sáng tạo ra thể chế, chính sách mới thuộc thẩm quyền của địa phương. Nếu cần đột phá vượt quá giới hạn những quy định hiện hành, có thể xin phép thí điểm với mục đích tạo ra nguồn lực và động lực mới cho phát triển và đem lại cuộc sống tốt hơn cho nhân dân. Chẳng hạn, việc xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên có thể cần có quy chế và một số cơ chế đặc biệt về kinh tế và hành chính mà một vài địa phương đang làm như Quảng Ninh, Ninh Thuận...
Bốn là, để thực hiện được những điều nói trên, yếu tố quyết định là tầm nhìn và quyết tâm chính trị của lãnh đạo tỉnh, trước hết là người đứng đầu, dám chấp nhận đổi mới và đương đầu với mọi thách thức, trở ngại phải vượt qua, kể cả trong nội bộ tỉnh, với bên ngoài và có thể có cả sự vận động, thuyết phục với Trung ương. Cùng với quyết tâm đó là một phong cách điều hành mới, năng động, thiết thực, sâu sát với dân và mạnh mẽ hơn trong quyết định và điều hành của lãnh đạo các cấp và các cơ quan chức năng của tỉnh.
Hy vọng, trong tương lai không xa, Phú Yên sẽ phát triển bật lên thành một tỉnh vừa Phú, vừa Yên; là một điểm sáng mới của Vùng duyên hải miền Trung.
TS LƯU BÍCH HỒ