Hơn 1 năm qua, Quyết định 780/2012/QĐ-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ được xem là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/6 tới, Thông tư 02/2013/TT-NHNN có hiệu lực thì các quy định về cơ cấu lại nợ theo quyết định trên sẽ hết hiệu lực, đồng nghĩa với việc nhiều khoản nợ rơi vào tình trạng xấu; ngân hàng khó có thể tiếp tục cho doanh nghiệp vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng cơ cấu lại nợ giúp khách hàng có thêm cơ hội vay vốn sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng thương mại ở TP Tuy Hòa - Ảnh: L.HẢO
TĂNG TRÍCH LẬP DỰ PHÒNG, GIẢM LỢI NHUẬN
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, tính đến nay, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại nợ cho gần 2.900 khách hàng với tổng số nợ gốc 569 tỉ đồng và nợ lãi 110 tỉ đồng. Trong đó, cơ cấu lại nợ vay cho các doanh nghiệp ngành điều 168 tỉ đồng, gia hạn nợ cho 583 hộ gia đình trong lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản với dư nợ 41 tỉ đồng.
Cuối năm 2011, đầu năm 2012, các doanh nghiệp rơi vào cảnh vô cùng khó khăn khi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, đầu ra của sản phẩm bị thu hẹp… Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 780/QĐ-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng khi gia hạn nợ cho doanh nghiệp có triển vọng phục hồi sản xuất nhưng đang gặp khó khăn về tài chính được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại trước khi điều chỉnh. Nhờ quyết định này, doanh nghiệp có cơ hội tiếp tục vay vốn sản xuất, kinh doanh; các ngân hàng cũng không phải trích lập dự phòng khi cơ cấu lại nợ cho khách hàng nên không ảnh hưởng đến lợi nhuận. Theo đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank) chi nhánh Phú Yên, tuy doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện quy định mới được cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780 nhưng có thể nói, từ khi có hiệu lực thi hành (ngày 23/4/2012) đến nay, quyết định này như một chiếc phao giúp doanh nghiệp và ngân hàng vượt qua cơn bĩ cực.
Từ ngày 1/6/2013, khi Thông tư 02/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về phân loại, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng đối với các tài sản bắt đầu có hiệu lực, các quy định có liên quan trước đó đều không còn giá trị, kể cả Quyết định 780. Theo thông tư này, các ngân hàng phải phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ với mức trích lập cao nhất lên đến 100% khoản vay. Trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, đồng nghĩa với việc ngân hàng giảm lợi nhuận, thậm chí không có lãi. Các món nợ được cơ cấu sau thời điểm này cũng sẽ bị chuyển nhóm nợ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi vay vốn.
Ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương (VietinBank) chi nhánh Phú Yên cho biết: Kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi, doanh nghiệp còn đang khó khăn, chưa thể trả hết các khoản nợ cũ. Nếu Ngân hàng Nhà nước kiên quyết thực hiện Thông tư 02 đúng kế hoạch thì sắp tới đây, các quy định về cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780 sẽ hết hiệu lực, nhiều khoản nợ sẽ rơi vào tình trạng xấu, trở thành lực cản khiến ngân hàng không thể cho vay thêm khi các tiêu chuẩn tài chính của doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện vay. Theo ông Lĩnh, trong thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt điều chỉnh thời gian triển khai chính sách để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và ngân hàng vượt qua sóng gió.
ĐÁNH GIÁ LẠI CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG
Ông Nguyễn Văn Hàn, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho biết: Trước đây, Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định 493 yêu cầu các tổ chức tín dụng phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro. Trên cơ sở tiêu chuẩn quy định, từng ngân hàng có bộ đánh giá rủi ro riêng. Khi đó, một khách hàng có thể được đánh giá khác nhau khi quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại khác nhau. Khi áp dụng Thông tư 02, mọi thông tin về khách hàng sẽ được Trung tâm Thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (CIC) tổng hợp và phản hồi lại cho các ngân hàng thương mại. Theo đó, khách hàng sẽ được xếp hạng tín dụng vào nhóm cao nhất có thể. Cách xếp hạng này thống nhất trên toàn quốc, hay nói cách khác, 1 khách hàng chỉ có thể có 1 nhóm nợ duy nhất. “Thông tư 02 là bước quản lý chặt chẽ, an toàn hơn so với Quyết định 493. Tuy nhiên, trong thời điểm khó khăn hiện nay, nếu áp dụng quy định ngay từ ngày 1/6, cả doanh nghiệp và ngân hàng sẽ không tránh khỏi khó khăn”, ông Hàn nói.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hàn, Thông tư 02 giúp các ngân hàng thương mại có cơ hội nhận định rủi ro, đánh giá lại chất lượng tín dụng của mình từ đó có định hướng hoạt động thích hợp. Hiện việc cơ cấu nợ chỉ để doanh nghiệp bớt khó trong thời gian ngắn, chứ không phải cứ liên tục gia hạn thời gian trả nợ để khoản vay ngắn hạn trở thành nợ trung hạn. Doanh nghiệp nào thực sự khó khăn do thị trường, kinh tế vĩ mô thì ngân hàng tiếp tục hỗ trợ; còn doanh nghiệp nào đầu tư ngoài ngành, sai mục đích, để nợ rơi vào nhóm “xấu”, không thể cứu vãn được nữa thì tổ chức tín dụng nên tích cực xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.
Còn theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Quyết định 780 không phải là “chìa khóa vạn năng” giúp ngân hàng và doanh nghiệp tránh khỏi nợ xấu. Những món nợ được cơ cấu tạm thời vẫn được ở nhóm tốt nhưng là khối nợ đang treo lơ lửng, có thể chuyển thành xấu bất cứ lúc nào, tạo gánh nặng cho nền kinh tế. Thông tư 02 về trích lập dự phòng rủi ro, phân loại nợ với mục đích yêu cầu các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp phải “soi gương” để nhìn lại mình, để có phương án kinh doanh hiệu quả hơn.
LÊ HẢO