Phú Yên là “cái nôi” của nghề câu cá ngừ đại dương, nhiều năm dẫn đầu cả nước về sản lượng, trở thành mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh, được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận. Thế nhưng, chỉ vì ngư dân học cách sử dụng đèn cao áp để khai thác cá từ ngư dân Bình Định và Khánh Hòa mà chất lượng cá ngừ bị suy giảm, ảnh hưởng đến thương hiệu cá ngừ Phú Yên.
Sơ chế cá ngừ đại dương tại Bến cá phường 6 (TP Tuy Hòa) - Ảnh: M.NGUYỆT
Vào thời điểm này năm trước, ngư dân Phú Yên có nguồn thu lớn từ khai thác cá ngừ thông qua việc câu vàng truyền thống, giá cá có thời điểm lên đến 210.000 đồng/kg, thì năm nay, do ảnh hưởng của việc câu cá bằng đèn cao áp mà sản lượng cá khai thác được bị sụt giảm đáng kể, giá cá chỉ còn từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng/kg, khiến nhiều ngư dân bị lỗ vốn, tàu thuyền phải nằm bờ. Theo nhiều ngư dân, việc khai thác cá ngừ bằng đèn cao áp tuy sản lượng có cao, thời gian bám biển được rút ngắn, nhưng chất lượng cá rất thấp, giá bán chỉ từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng/kg, do không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Đứng trên quan điểm lợi ích toàn cục mà nói, chúng ta đang bị mất đi một nguồn lợi cá ngừ đáng kể và giá trị của nguồn lợi thủy sản này cũng bị giảm dần.
2 năm trở lại đây, hầu hết ngư dân khai thác cá ngừ ở tỉnh Bình Định và Khánh Hòa đã chuyển sang sử dụng ánh sáng đèn cao áp, kết hợp câu tay để khai thác cá ngừ. Năm 2012, sản lượng cá ngừ của Bình Định đạt hơn 7.500 tấn, tăng hơn 2 lần so với năm 2011. Còn với Khánh Hòa, năm 2012 sản lượng khai thác cá ngừ hơn 4.000 tấn, tăng hơn năm 2011 khoảng 1,8 lần. Trong khi đó, ngư dân Phú Yên vẫn duy trì việc khai thác cá ngừ bằng câu vàng truyền thống, sản lượng khai thác vẫn ở mức 6.000 tấn, chỉ tăng khoảng 10% so với năm 2011. Thực tế cho thấy, mặc dù ngư dân Bình Định và Khánh Hòa sử dụng ánh sáng đèn cao áp để đánh bắt cá ngừ và đã nâng cao được sản lượng khai thác lên gấp đôi, nhưng giá trị cá lại không tăng, thậm chí còn giảm.
Nghịch lý trong phương thức khai thác, sản lượng, giá bán cá ngừ đã thấy rõ. Trước thực trạng này, đòi hỏi Nhà nước cần phải có chính sách điều chỉnh nghề khai thác cá ngừ bằng đèn cao áp. Một khi Nhà nước đã có cơ chế chính sách thì các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương mới có cơ sở để điều chỉnh nghề câu cá ngừ theo hướng tích cực. Ngoài ra, để khắc phục tình trạng ép giá thu mua cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, các cơ quan chức năng cũng nên công bố công khai giá xuất khẩu cá ngừ của các doanh nghiệp, để chính quyền địa phương và ngư dân có cơ sở xác định giá thu mua cá ngừ tại cảng ở mức độ nào là phù hợp với chuỗi giá trị cá ngừ từ khâu khai thác đến thu mua, chế biến, xuất khẩu. Trên cơ sở đó tạo sự hài hòa lợi ích kinh tế giữa các bên liên quan và cùng nhau phát triển bền vững nghề câu cá ngừ đại dương.
NGUYỄN KHẮC TÂN
Phó chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Phú Yên