Sông Hinh là huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Để giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, diện tích lúa nước của huyện không ngừng được tăng lên hơn 1.300ha. Tuy vậy với diện tích này vẫn là con số khiêm tốn so với số dân hơn 45.000 người của huyện. Để đảm bảo an ninh lương thực lâu dài, huyện Sông Hinh đã thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn với cây lúa lai TH 3-3 và bước đầu đã có kết quả đáng phấn khởi.
Mô hình sản xuất lúa lai của hộ ông Nguyễn Hữu Đoàn, TT Hai Riêng (Sông Hinh) - Ảnh: V.THÙY
Được tham dự các lớp tập huấn, giới thiệu về cây lúa lai TH 3-3, đầu vụ đông xuân năm 2013, ông Nguyễn Hữu Đoàn ở khu phố 8, thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh), đã mạnh dạn mua giống lúa lai TH 3-3 sản xuất trên diện tích gần 2.000m². Đã có thời điểm tưởng chừng như ông Đoàn phải phá bỏ để trồng lại giống lúa khác, vì lúc gieo sạ, gặp thời tiết nắng nóng, chuột cắn phá, lúa chết nhiều. Nhưng được sự động viên, giúp đỡ kịp thời của cán bộ nông nghiệp huyện, gia đình ông Đoàn chịu khó dặm tỉa, chăm sóc lúa. Niềm vui lớn đã đến với gia đình ông khi thu hoạch, năng suất lúa TH 3-3 cao hơn lúa thường 35%. “Với 1,5 tấn lúa thu được, không những giúp cả gia đình tôi đủ ăn trong cả năm mà còn để chăn nuôi gia súc, gia cầm cải thiện cuộc sống”, ông Đoàn nói.
Lúa lai TH 3-3 đến với Sông Hinh từ nhiều vụ trước. Với đặc điểm ngắn ngày, cây khỏe, khả năng đẻ nhánh tốt, ít nhiễm sâu bệnh, cho năng suất cao, hạt gạo trong, dẻo, ngon cơm, lúa TH 3-3 đã được nhiều người dân lựa chọn, thâm canh để nâng cao hiệu quả sản xuất. Hơn thế nữa, TH 3-3 đã “lấy lòng” đồng bào dân tộc thiểu số, nơi mà người nông dân tiếp cận với cây lúa nước chưa lâu.
Y Dung ở buôn Ken, xã Ea Bá tham gia chương trình cánh đồng mẫu lớn, thay cây lúa đã trồng lâu nay bằng giống lúa lai TH 3-3. Tự tin với những kiến thức đã học, Y Dung áp dụng quy trình thâm canh 3 giảm 3 tăng, làm cỏ bón phân theo đúng kỹ thuật, vì vậy mặc dù có thời điểm nắng hạn, thiếu nước, nhưng cây lúa nhà Y Dung vẫn đạt sản lượng gần gấp đôi so với lúa thường. Y Dung vui không chỉ vì được mùa, mà từ nay anh có thêm một phương thức sản xuất mới, hiệu quả hơn nhiều so với các giống lúa cũ. Y Dung nói: “Vụ tới, tôi rất mong được Nhà nước hỗ trợ trồng lúa lai để cuộc sống no đủ hơn”. Cũng như Y Dung, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác ở các xã Ea Bá, Ea Lâm, Ea Bar, Ea Trol, Ea Bia cũng đã tham gia mô hình lúa lai và mang lại hiệu quả đáng kể.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết, để giúp bà con thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, từ năm 2012, huyện đã đưa vào khảo nghiệm giống lúa lai TH 3-3 ở vụ đông xuân và hè thu, bước đầu mang lại hiệu quả cao. Trên cơ sở đó, huyện đã mạnh dạn thực hiện chương trình cánh đồng mẫu lớn trên cây lúa lai TH 3-3. Tham gia mô hình này, nông dân được hỗ trợ 100% giống và 30% phân bón, số còn lại cho nông dân nợ, sau khi thu hoạch lúa mới trả. Thực hiện chủ trương đó, các xã trong huyện đã tuyên truyền sâu rộng và nhận được sự ủng hộ của người dân, nhất là tại các xã Ea Ly, Đức Bình Tây, Sơn Giang.
Trong vụ đông xuân 2012-2013, huyện Sông Sinh đã hình thành được những cánh đồng mẫu lớn, các ruộng xé lẻ của nhiều hộ dân được dồn lại thành những cánh đồng chuyên canh cây lúa lai TH 3-3; trong đó tập trung chủ yếu ở Sơn Giang, Ea Ly, Đức Bình Tây, Đức Bình Đông, Ea Bá... Tại các cánh đồng này năng suất lúa đạt cao, như: xã Ea Ly đạt 90 tạ/ha; Đức Bình Tây đạt hơn 80 tạ/ha; Sơn Giang đạt 76 tạ/ha... trong khi năng suất trung bình toàn huyện chỉ 74,4 tạ/ha. Ông Phạm Quốc Thông, Chủ tịch UBND xã Sơn Giang cho biết, cánh đồng mẫu lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất; dần hình thành sản xuất lúa quy mô lớn; hiệu quả sản xuất được cải thiện, thu nhập của bà con được tăng lên. Nhưng trên hết, hiệu quả lớn nhất từ mô hình đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi cách thức canh tác lạc hậu, sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào thâm canh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng trên một đơn vị diện tích.
Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết, vấn đề quan trọng trong việc triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn là phải có sự thống nhất, quyết tâm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ huyện đến xã; cán bộ kỹ thuật phải sâu sát, hỗ trợ kịp thời cho nông dân trong việc áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Trong vụ hè thu tới, huyện phấn đấu tăng diện tích lúa lai lên 150ha ở những nơi có đủ điều kiện nước tưới, đồng thời tiếp tục hỗ trợ kinh phí để nông dân mua giống lúa mới. “Lúa lai TH 3-3 cùng cánh đồng mẫu lớn bước đầu đã có chỗ đứng nhất định ở địa phương. Tuy nhiên, ở một xã trong huyện có điểm xuất phát thấp, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nên việc thay đổi tập quán canh tác không thể ngày một, ngày hai, mà là cả một quá trình lâu dài. Vì vậy, để mô hình này thành công, mang lại lợi ích chung cho nhiều bên, đòi hỏi sự quan tâm, đồng hành của các ngành, các cấp và doanh nghiệp”, ông Trần Thanh Định nói.
VĂN THÙY