Từ ngày 16/4, hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi theo Quyết định 15/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề này, ông Hồ Văn Thục, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) chi nhánh Phú Yên cho biết:
Hộ cận nghèo chỉ được sử dụng vốn vay ưu đãi để sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Thu hoạch rau má ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) - Ảnh: L.HẢO
- Tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo là một nhu cầu thiết thực, vì hiện ranh giới giữa hộ cận nghèo và hộ nghèo rất mong manh, khả năng hộ cận nghèo bị tái nghèo rất cao. Thời gian qua, thấy được hiệu quả hoạt động của VBSP trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động, Chính phủ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, huy động vốn để tạo điều kiện cho hộ cận nghèo vay vốn sản xuất, kinh doanh nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
* Thưa ông, từ khi có chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ cận nghèo, đến nay VBSP Phú Yên đã chuẩn bị những gì để cho đối tượng này vay vốn đúng hạn?
- Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 15 về tín dụng đối với hộ cận nghèo, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, VBSP Phú Yên đã chỉ đạo các phòng giao dịch điều tra, khảo sát số hộ cận nghèo trên địa bàn, nắm bắt nhu cầu vay của đối tượng thụ hưởng để xây dựng kế hoạch tín dụng phù hợp. Theo điều tra, tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có 30.660 hộ cận nghèo. Trong đó, số hộ cận nghèo còn dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo dự kiến đến hạn trong năm 2013 là 5.632 hộ; số hộ cận nghèo còn dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo là 10.954 hộ; số hộ cận nghèo chưa được vay vốn nhưng có nhu cầu và đủ điều kiện vay là 11.890 hộ.
Dự kiến trong năm 2013, những hộ cận nghèo có dư nợ đến hạn trả 59 tỉ đồng; hộ cận nghèo trả nợ trong năm có nhu cầu vay tiếp 25,5 tỉ đồng; hộ cận nghèo chưa được vay nhưng có nhu cầu vay vốn khoảng 178,5 tỉ đồng. Như vậy, tổng nhu cầu vốn cho hộ cận nghèo vay trong năm nay khoảng 204 tỉ đồng. VBSP Phú Yên đã trình kế hoạch vốn lên Trung ương, trong thời gian chờ đợi, đơn vị đã phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích chính sách cho người dân và đối tượng thụ hưởng biết. Khi được thông báo chỉ tiêu kế hoạch vốn, chúng tôi sẽ triển khai cho vay ngay để hộ cận nghèo có vốn sản xuất, kinh doanh.
* Cách thức cho vay hộ cận nghèo có điểm gì đáng lưu ý?
- Ngày 12/4/2013, VBSP đã ban hành Văn bản 1003/NHCS-TDNN hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với hộ cận nghèo theo Quyết định 15/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đối tượng cho vay là hộ cận nghèo được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận. Mức cho vay do ngân hàng và hộ cận nghèo thỏa thuận nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa phục vụ sản xuất kinh doanh áp dụng đối với hộ nghèo, nghĩa là tối đa không quá 30 triệu đồng/hộ trong điều kiện hiện nay. Lãi suất cho vay bằng 130% lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ, hiện mức lãi suất này là 0,845%/tháng. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất trong hạn.
Điều đáng lưu ý là hộ cận nghèo chỉ được sử dụng vốn vay đầu tư sản xuất kinh doanh chứ không được dùng để giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về sửa chữa nhà ở, nước sinh hoạt, điện thắp sáng, học tập các cấp phổ thông như chương trình cho vay hộ nghèo. Ngoài ra, hộ cận nghèo không được vay vốn sản xuất, kinh doanh những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện theo Nghị định 59/2006 của Chính phủ.
* Hiện lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm về dưới 10%/năm. Khi lãi suất ưu đãi cho vay hộ cận nghèo cao hơn lãi suất thị trường thì giải quyết thế nào, thưa ông?
- Trong bối cảnh hiện nay, hộ cận nghèo rất khó tiếp cận với vốn vay của ngân hàng thương mại để sản xuất, kinh doanh. Khi Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để hộ cận nghèo tiếp cận với vốn ưu đãi, hộ vay nào cần mẫn, chăm chỉ làm ăn thì sẽ không quá khó để trả được nợ. Thêm vào đó, khi hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích nhưng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, ngân hàng sẽ xử lý nợ theo quy định. Vì vậy, theo tôi, với điều kiện tín dụng ưu đãi, mức lãi suất cho vay hộ cận nghèo hiện hành là phù hợp, tránh cho hộ vay có tâm lý ỷ lại.
Chiến lược phát triển VBSP theo xu hướng lãi suất tín dụng chính sách tiệm cận với lãi suất thị trường cùng loại. Trong trường hợp lãi suất cho vay hộ cận nghèo cao hơn lãi suất thị trường thì ngân hàng sẽ có trách nhiệm tham mưu, kiến nghị Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp. Trong suốt quá trình vay vốn, VBSP thực hiện lãi suất cố định theo hợp đồng đã ký hoặc khi có điều chỉnh thì chỉ điều chỉnh giảm theo chỉ đạo của Chính phủ.
* Xin cảm ơn ông!
LÊ HẢO (thực hiện)