Sự phối hợp, liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà nước và doanh nghiệp) trong mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa lai tại huyện Đồng Xuân đã mang lại kết quả khả quan. Bước đầu nhận được nhiều sự ủng hộ của người nông dân.
Sản xuất lúa lai theo mô hình cánh đồng mẫu lớn tại huyện Đồng Xuân - Ảnh: T.HƯƠNG
LIÊN KẾT “4 NHÀ”
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, diện tích trồng lúa của huyện khoảng 1.300ha, nông dân vẫn canh tác đại trà các giống lúa thuần như ML68, ML216, ML202-4… nên hiệu quả sản xuất chưa cao, năng suất bình quân chỉ đạt từ 55-60 tạ/ha/vụ. Trong vụ sản xuất đông xuân 2012-2013, huyện Đồng Xuân đã thí điểm thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa lai, với tổng diện tích khoảng 15ha tại cánh đồng Long Hà (thị trấn La Hai) và Phước Hòa (xã Xuân Phước). Đây là mô hình có sự liên kết “4 nhà”. Tham gia mô hình, các hộ trồng lúa được hỗ trợ 100% kinh phí mua giống lúa lai, trong đó huyện hỗ trợ 70% chi phí, Công ty TNHH Cường Tân (Nam Định) - đơn vị cung cấp giống lúa lai 2 dòng TH3-3 hỗ trợ 30%; hỗ trợ 50% chi phí phân bón ruộng, cụ thể huyện hỗ trợ 20%, Công ty TNHH Hoàng Long Vina (Phú Yên) 30% chi phí. Ngoài ra, khi tham gia mô hình bà con nông dân còn được các cán bộ kỹ thuật trung tâm khuyến nông tập huấn quy trình trồng và chăm sóc cây lúa hợp lý để đạt được hiệu quả cao nhất. Ông Võ Ngọc Thành ở khu phố Long Hà, thị trấn La Hai cho biết: Vụ đông xuân gia đình tôi tham gia trồng hơn 2,2 sào lúa lai theo mô hình. Qua theo dõi, thấy cây lúa lai 2 dòng TH3-3 rất phù hợp với đất đai thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương. Đồng thời, cây lúa được chăm sóc đúng kỹ thuật, bón phân một cách hợp lý nên phát triển rất tốt, năng suất thu hoạch đạt cao. Theo bà Trần Thị Lệ Hồng, Phó chủ tịch UBND thị trấn La Hai, từ vụ hè thu 2011, người dân địa phương mới bắt đầu sản xuất lúa lai nhưng chỉ với hình thức sản xuất khảo nghiệm, tự phát và lẻ tẻ nên chưa trở thành phong trào, rất khó nhân rộng. Khi mô hình sản xuất lúa lai với quy mô cánh đồng mẫu lớn được triển khai trên địa bàn thị trấn, với sự tham gia của hơn 100 hộ nông dân địa phương đã mở ra cơ hội cho người dân học hỏi kinh nghiệm, thay đổi nhận thức trong sản xuất, đặc biệt là xóa bỏ tập quán sạ dày cố hữu lâu nay. Mô hình trồng lúa lai với quy mô lớn được thực hiện tại địa phương đã nhận được sự ủng hộ của nông dân. Rất nhiều hộ khi tham gia mô hình, được tiếp cận với kỹ thuật canh tác tiên tiến, hiệu quả cao lại chống lãng phí đã rất phấn khởi, sẵn sàng chuyển đổi sang trồng lúa lai cho những vụ mùa tiếp theo.
HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH
Kết quả trồng lúa lai 2 dòng TH3-3 theo mô hình cánh đồng mẫu lớn tại huyện Đồng Xuân cho thấy cây lúa phát triển rất tốt, chống chịu sâu bệnh tốt và chưa tìm thấy những đối tượng gây hại khác, đặc biệt cây cứng nên giảm khả năng chích hút của rầy và thời gian sinh trưởng của giống TH3-3 ngắn ngày khoảng 91-92 ngày. Đây là giống lúa có tỉ lệ nẩy mầm cao trên 95%, lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung, bông dài, tỉ lệ hạt trên bông cao từ 250-300 hạt/bông; lượng phân đầu tư cho mỗi sào là 500kg phân chuồng, 20kg phân lân, 14-16kg phân urê và 8kg kali. Đồng thời, mật độ gieo sạ giống thưa, bình quân mỗi sào sử dụng 2-2,5kg giống, trong khi đó mỗi sào lúa thuần phải dùng từ 8-10kg giống; sản lượng thu hoạch mỗi ha lúa lai đạt trên 75 tạ, cao hơn lúa thuần 15 tạ. Ông Nguyễn Văn Tri, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết: Mỗi sào lúa lai chỉ gieo 2,5kg lúa giống với chi phí khoảng 150.000 đồng, cho thu hoạch được khoảng 370kg lúa. Trong khi đó, nếu trồng lúa thuần mỗi sào phải sạ từ 8-10kg giống với giá khoảng 120.000 đồng nhưng chỉ thu hoạch được khoảng 300kg lúa, bình quân mỗi sào lúa lai cho lợi nhuận cao hơn lúa thường khoảng 350.000 đồng (tính với giá lúa 5.000 đồng/kg). Bên cạnh những kết quả khả quan thu được sau mô hình, một bộ phận người nông dân vẫn chưa thoát khỏi thói quen sạ dày, do tâm lý sợ lúa thưa. Đồng thời, giá lúa lai hiện tương đối cao so với lúa thường nên nhiều hộ nông dân cũng gặp khó khăn khi đầu tư đầu vụ”.
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: Đây là vụ sản xuất đầu tiên huyện Đồng Xuân áp dụng mô hình canh tác lúa lai theo quy chuẩn cánh đồng mẫu lớn và đã mang lại những kết quả khả quan. Đặc biệt, mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức của người nông dân về việc giảm mật độ gieo sạ, áp dụng các kỹ thuật khoa học một cách đồng bộ trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng và sản lượng lúa gạo, đảm bảo an toàn lương thực trên địa bàn huyện, tiến tới sản xuất lúa theo hướng hàng hóa. Trong thời gian tới, huyện Đồng Xuân sẽ tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp để thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu giống lúa và phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống.
TUYẾT HƯƠNG