Ngày 28/3/2013, Liên bộ Công thương – Tài chính điều chỉnh giá xăng tăng thêm 1.400 đồng/lít, đẩy giá xăng lên 25.050 đồng/lít, cao nhất trong những năm qua. Giá xăng tăng dẫn đến giá của tất cả các mặt hàng khác đều tăng. Và những người buôn bán nhỏ ở các chợ thì tìm cách ứng phó để giữ giá, giữ khách.
Xăng tăng giá, nỗi ám ảnh của người dân - Ảnh: T.HÀ
Chỉ tính trong năm 2012, Liên bộ đã có 11 lần điều chỉnh giá xăng. Trong đó, có đến 6 lần giảm giá và 5 lần tăng giá. Tuy số lần giảm giá có nhiều hơn, nhưng kết cục giá xăng năm sau vẫn cứ cao hơn năm trước. Cụ thể, lần điều chỉnh giá xăng cuối cùng của năm 2011 (11g ngày 10/10/2011), xăng có mức giá 20.400 đồng/lít (xăng RON 95); sang lần điều chỉnh cuối cùng của năm 2012 (18g ngày 11/11/ 2012), xăng có giá 23.650 đồng/lít. Và lần điều chỉnh giá gần đây nhất (20g ngày 28/3/2013) xăng tăng thêm 1.400 đồng/lít, đưa giá xăng lên mức 25.050 đồng/lít. Con số này khiến người dân phải lo lắng. Anh Lê Tiến Lực làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cho biết: “Trước giờ, tiền xăng luôn chiếm gần 1/3 tiền lương của tôi. Với mức giá này, tôi đã thấy đau đầu rồi. Giờ giá xăng tiếp tục tăng nữa tôi không biết tính toán sao cho hợp lý. Nhà tôi ở Hòa Tân Đông (Đông Hòa), nhưng mấy cha con đều làm việc ở TP Tuy Hòa nên cuối tuần mới về nhà ở quê, còn hầu như cả tuần đều ở ngoài thành phố. Tuy ai cũng có công việc, thu nhập tạm ổn, nhưng trong chuyện chi tiêu, chợ quán chúng tôi cũng không dám “vung tay” như lúc trước”.
Có một điều hiển nhiên: giá xăng tăng sẽ kéo theo giá các mặt hàng khác cũng đồng loạt tăng theo và người mua với túi tiền ít ỏi sẽ hạn chế mua sắm đến mức tối đa. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy, bán hàng khô tại chợ Tuy Hòa, chia sẻ: “Mỗi lần xăng tăng giá là một lần tôi phải xoay xở để giữ khách. Vì khi xăng tăng giá, giá các mặt hàng tôi nhập về bán cũng sẽ cao hơn. Ban đầu, thấy giá chênh lệch nhiều quá, khách hàng họ bỏ mình đi mua chỗ khác. Sau, thấy giá tăng chung, một số người quay lại mua; nhưng thay vì mua 10, giờ họ mua còn 5-6 nên mình bán hàng không chạy”.
Chợ xã Hòa Vinh (Đông Hòa) thời gian gần đây, việc buôn bán khó khăn đã khiến nhiều tiểu thương phải bỏ nghề. Cụ thể như, nếu lúc trước, chợ có 7-8 sạp hàng tạp hóa tương đối lớn thì hiện nay, có ít nhất 3-4 chủ hàng đã chuyển sang làm nghề khác. Lý giải về điều này, nhiều tiểu thương cho biết, do đa số hàng hóa hiện nay đều có sự cạnh tranh rất lớn, nên quầy hàng này không thể bán chênh lệch nhiều so với quầy hàng khác trên cùng 1 sản phẩm. Để tăng lượng khách, các quầy đều phải bán hàng ở mức giá phải chăng nên lời lãi không nhiều. Đã vậy, việc chi phí cho khâu vận chuyển, lấy hàng tiêu tốn rất nhiều (thường tiểu thương lấy hàng ở Tuy Hòa), mà người mua thì ngày càng “tính toán chi ly” đã làm cho thu nhập hàng ngày của tiểu thương không đủ tiền chợ, phải ăn thâm vào tiền vốn. Vốn liếng cứ thế hạn hẹp dần. Đến lúc không còn vốn nhập hàng, tiểu thương phải nghỉ bán. Chị Lưu Thị Thư, ở thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa), nhận sạp từ một chủ trước sang lại để bán hàng tạp hóa. Sáng nào chị cũng đi từ Đa Ngư lên Hòa Vinh sớm để dọn hàng ra, chiều mới dọn hàng về. Do quãng đường từ nhà đến chợ xa, tốn kém nhiều cho tiền xăng nên tiền lời bán cả ngày không đủ chi tiêu. Chỉ trong khoảng 1 tháng, thấy số tiền vốn hao hụt quá nhanh, hoảng quá, chị Thư sang hàng hóa lại cho người khác với giá rẻ để lấy lại ít vốn về nhà làm rẫy với chồng.
Khó khăn sẽ còn gấp bội đối với những khu chợ vùng cao. Nơi mà hàng hóa hầu hết đều phải vận chuyển từ đồng bằng lên, người mua phải chịu giá chênh lệch nhiều hơn so với ở đồng bằng. Để đảm bảo cuộc sống khi vật giá tăng, người dân vùng cao lại phải thắt chặt chi tiêu; và tiểu thương của các chợ vùng cao trước làm ăn đã khó nay càng thêm khó.
THÁI HÀ