Hiện giá cá ngừ đại dương xuống thấp ở mức kỷ lục, trong khi đó giá xăng dầu, đá cây và các loại nhu yếu phẩm khác tăng cao, khiến nhiều chuyến biển của ngư dân không có lãi; bạn thuyền lần lượt bỏ nghề, tàu phải nằm bờ.
Thu mua cá ngừ tại DNTN Lợi Anh - Ảnh: T.HƯƠNG
CHỒNG CHẤT KHÓ KHĂN
Đang là mùa khai thác chính vụ cá ngừ đại dương, nhưng khoảng 2 tháng nay, giá cá thương phẩm liên tục giảm. Ông Trần Bé ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) cho biết: “Năm trước giá cá ngừ loại 1 ở mức 180.000 đồng/kg, nhưng từ sau tết đến nay giá cá liên tục giảm từ 150.000 đồng/kg, xuống 130.000 đồng/kg và hiện chỉ còn 110.000 đồng/kg. Đây là giá thu mua đối với loại cá ngừ đại dương được câu theo hình thức câu vàng truyền thống, còn cá ngừ được câu bằng đèn cao áp, giá mua chỉ khoảng 50.000 đồng/kg”.
Ngoài việc giá cá giảm mạnh, ngư dân Phú Yên còn bị các tư thương ép phẩm cấp cá. Một chủ tàu câu cá ngừ đại dương ở phường 6 (xin được giấu tên) cho biết: “Cách đây vài ngày tàu câu của ông cập bến với 3 tấn cá. Nhưng khi thu mua, tư thương cho rằng cá của tàu ông không đạt chất lượng, ép 1 tấn cá vào loại cá dạt, với giá từ 20.000-40.000 đồng/kg. Với cách mua cá như thế này thì chúng tôi làm sao có lãi”. Ngư dân này còn cho biết thêm, trước đây cũng với cách câu vàng truyền thống, mỗi chuyến biển kéo dài khoảng 30 ngày, lượng cá bị dạt chỉ từ 10-15% là cao, còn nay thuyền nào cập bến cũng bị dạt đến 1/3 sản lượng cá đánh bắt được.
Trong khi đó, theo các doanh nghiệp thu mua cá ngừ đại dương tại cảng cá phường 6 (TP Tuy Hòa), nguyên nhân dẫn đến giá cá ngừ giảm là do chất lượng cá thấp - hệ quả của việc dùng đèn cao áp để dẫn dụ cá.
Trong lúc giá thu mua cá ngừ thương phẩm giảm mạnh thì mới đây giá xăng dầu, đá lạnh và các loại nhu yếu phẩm khác tiếp tục tăng, đẩy chi phí chuyến biển lên cao. Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Tiến, chủ tàu PY 92080 TS ở phường 6, trước đây, khi giá dầu chưa tăng thì chi phí mỗi chuyến biển kéo dài 30 ngày ở mức 150 triệu đồng, còn nay, chi phí mỗi chuyến biển tăng thêm 20 triệu đồng.
Ngoài những khó khăn nêu trên, ngư dân TP Tuy Hòa còn đang gặp nhiều khó khăn trong việc đưa tàu ra vào cửa biển Đà Diễn do cửa biển này bị bồi lấp nặng. Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry, Đội phó Đội kiểm soát Đồn biên phòng Tuy Hòa cho biết: Nhiều ngày nay, khi tàu của ngư dân xuất bến thường xuyên bị mắc cạn tại cửa biển Đà Diễn. Để ra được biển, các thuyền phải cột dây nối đuôi nhau dò dẫm đi theo chỉ dẫn của các lão ngư lạch Phú Câu. Cá biệt, có ngày cửa biển quá hẹp, các tàu phải loay hoay từ sáng sớm đến trưa mới ra khỏi cửa.
NGƯ DÂN BỎ BIỂN, TÀU NẰM BỜ
Ông Nguyễn Văn Hoàng ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) cho biết: Sau cả tháng trời lênh đênh trên biển, sản lượng cá khai thác được hơn 2,5 tấn, nhưng vì giá cá thấp như hiện nay, cộng với tỉ lệ cá dạt cao, khiến bạn thuyền chúng tôi chỉ chia được 2,3 triệu đồng/người. Với số tiền ít ỏi này thì làm sao đủ chi tiêu cho cả gia đình.
Thu nhập thấp, nhiều bạn thuyền đành bỏ nghề, chuyển sang đi cá giã cào hoặc thu hoạch mía, hái cà phê tại các huyện miền núi. Việc bạn thuyền bỏ nghề, kéo theo đó là nhiều tàu câu cá ngừ đại dương ở TP Tuy Hòa không có lao động phục vụ cho chuyến biển, đành nằm bờ. Ông Huỳnh Tâm, chủ thuyền PY 96021TS ở phường 6 cho biết, sau chuyến biển cách đây hơn 1 tháng, đến giờ tàu của tôi vẫn chưa thể xuất bến chuyến biển tiếp theo, vì không thể tìm đủ bạn thuyền.
Ông Phan Thuẫn, Phó lạch Phú Câu cho biết: Hiện nay, mặc dù việc đánh bắt cá ngừ đại dương không mang lại nguồn thu nhập cao, nhưng hầu hết các chủ tàu thuyền đều cố gắng bám biển. Tuy nhiên, vì giá cá giảm, bạn thuyền bỏ nghề nên nhiều tàu phải ra khơi trong tình trạng thiếu lao động hoặc phải nằm bờ.
Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, trước tình hình khó khăn này, ngành nông nghiệp đang chỉ đạo các bộ phận liên quan đẩy mạnh việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ khai thác đối với các tàu thuyền tham gia đánh bắt ở vùng biển xa để hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm khuyến khích bà con bám biển.
TUYẾT HƯƠNG