Thứ Năm, 28/11/2024 07:51 SA
Đường rớt giá, ngành mía đường gặp khó
Thứ Hai, 01/04/2013 14:00 CH

Hơn năm nay, giá đường trong nước và thế giới liên tục giảm. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến đường chật vật vì lượng hàng tồn kho lớn. Theo đó, người trồng mía cũng gặp không ít khó khăn.

 

duong3130401.jpg

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp mía đường vẫn giữ giá thu mua, tiêu thụ hết mía cho nông dân - Ảnh: N.XUÂN

Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cho biết: Hiện trên thế giới, hầu hết các nước đều trong tình trạng thừa đường khiến giá đường thị trường xuống thấp, ngành công nghiệp sản xuất đường phải đối mặt với nhiều khó khăn. Việc tạm nhập tái xuất đường không được kiểm soát chặt chẽ; một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật, hợp thức hóa tiêu thụ đường tạm nhập tái xuất, tạo môi trường cạnh tranh không công bằng đối với các doanh nghiệp chế biến đường trong nước. Lượng đường nhập lậu từ biên giới Tây Nam vẫn tràn vào ồ ạt, gây bất lợi cho doanh nghiệp đường trong nước, làm ảnh hưởng đến giá cũng như việc tiêu thụ đường. Trong khi đó, đầu xuất đường sang Trung Quốc tại biên giới phía bắc luôn bị kiểm soát gắt gao nên việc tiêu thụ đường sản xuất trong nước đã khó càng thêm khó.

Theo ông Nguyễn Xuân Tiên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa, từ năm ngoái đến nay, giá đường trong nước liên tục hạ thấp để cạnh tranh với đường nhập lậu. Hiện giá đường RS của công ty chỉ còn 13.400 đồng/kg (giá sau thuế); giá đường trước thuế còn 12.700 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá đường nhập lậu (14.000 đồng/kg), nhưng việc tiêu thụ đường vẫn hết sức khó khăn. Công ty phải tăng cường hoạt động của các đại lý bán hàng và đi các nơi khác chào bán sản phẩm nhưng cũng không mấy khả quan. Ông Tiên cho biết thêm: Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hàng năm, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam lên đến 300.000-400.000 tấn. Đường nhập lậu không chịu thuế nên giá luôn thấp hơn đường trong nước vài nghìn đồng/kg. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước buộc phải hạ giá bán xuống thấp hơn đường nhập lậu để giải phóng bớt lượng hàng tồn kho nhưng hiện vẫn còn khá lớn. Riêng Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa hiện còn tồn khoảng 8.000 tấn đường.

Mặc dù giá đường xuống thấp, lượng đường tồn kho lớn nhưng đến thời điểm này các doanh nghiệp chế biến đường tại Phú Yên vẫn giữ mức giá thu mua mía như đầu vụ trên tinh thần cố gắng thu mua hết mía để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân. Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa Nguyễn Xuân Tiên chia sẻ: “Nếu bây giờ giảm giá mía nguyên liệu xuống thấp hoặc không thu mua mía kịp thời, nông dân sẽ thua lỗ và ồ ạt chặt phá mía để trồng cây khác, phá vỡ vùng nguyên liệu của công ty đã nhiều năm vất vả gầy dựng. Không có vùng nguyên liệu ổn định, nhà máy không thể hoạt động lâu dài. Do vậy, trong vụ ép này, chúng tôi chấp nhận chịu lỗ để giữ vùng nguyên liệu, đảm bảo sản xuất bền vững. Nếu giá đường tiếp tục xuống thấp, lượng hàng tồn kho kéo dài, các doanh nghiệp chế biến đường sẽ thua lỗ nặng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các nhà máy mà còn liên quan trực tiếp đến đời sống của hàng nghìn nông dân trồng mía trong tỉnh”.

Để tháo gỡ khó khăn, ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cho rằng Bộ Công thương cần kiến nghị Chính phủ có những giải pháp quyết liệt nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp chế biến đường trong nước và cho người trồng mía; bổ sung mặt hàng đường vào danh mục các mặt hàng cấm hoặc tạm ngừng tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan để tránh tình trạng đường nước ngoài vào Việt Nam tiêu thụ, cạnh tranh không công bằng với đường trong nước. Chính phủ cũng cần tăng cường các biện pháp kiểm soát đường nhập lậu từ biên giới; đồng thời tạo cơ chế đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu đường, cơ chế xuất nhập khẩu đường linh hoạt để các doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiêu thụ đường.

 

NGÔ XUÂN

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến đầu tháng 2/2013, lượng đường tồn kho của 38 nhà máy đường trực thuộc lên đến gần 250.000 tấn, tăng 100.000 tấn so với cùng kỳ 2012. Vụ ép 2012-2013, dự kiến sản lượng đường đạt 1,59 triệu tấn, tăng 22% so với vụ trước. Thêm vào đó, dự kiến Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 74.000 tấn đường (theo cam kết WTO), nâng tổng sản lượng đường lên gần 1,7 triệu tấn. Trong khi đó, dự kiến nhu cầu tiêu thụ đường trong nước chỉ khoảng 1,4-1,5 triệu tấn. Như vậy, trong năm 2013, lượng đường dư thừa sẽ lên đến hơn 200.000 tấn.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thời cơ và thách thức mới
Thứ Hai, 01/04/2013 07:30 SA
Tàu Thống Nhất sẽ có cạnh tranh
Chủ Nhật, 31/03/2013 17:40 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek