Trong năm 2012, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh và đã phát hiện tín hiệu một số cơ sở, hộ gia đình không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm. Do vậy, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, đồng thời tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm.
Đoàn kiểm tra Sở NN-PTNT Phú Yên kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn và ghi nhãn hàng hóa tại một cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi ở huyện Đông Hòa - Ảnh: A.NGỌC
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT), năm 2012, chi cục đã lấy 6 mẫu nước ương tôm giống, 14 mẫu tôm thẻ tại hồ nuôi, 4 mẫu tôm thẻ tại đại lý thu mua để đưa đi xét nghiệm. Kết quả phân tích có 1 mẫu nước ương tôm giống bị nhiễm dư lượng Chloramphenicol do bị lây nhiễm chéo trong quá trình sản xuất. Chương trình giám sát an toàn thực phẩm thủy sản sau thu hoạch, đã lấy 24 mẫu thủy sản sau thu hoạch để kiểm tra vi sinh vật gây bệnh và dư lượng các chất độc hại tồn dư. Kết quả có 2 mẫu cá cơm khô bị nhiễm Staphylococcus aureus, 4 mẫu nước mắm có hàm lượng Histamine vượt quá giới hạn cho phép, 2 mẫu cá nuôi và 1 mẫu mực bị nhiễm Salmonella. Chi cục đã tiến hành kiểm tra 13 cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm có nguồn gốc thực vật và 18 cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn 5 huyện, thị xã, thành phố; lấy 13 mẫu rau và 18 mẫu thịt để kiểm tra một số chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo chỉ định. Kết quả, có 16 mẫu thịt bị nhiễm Staphylococcus aureus vượt quá giới hạn cho phép; 7 mẫu thịt dương tính với Salmonella.
Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ vừa qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã kiểm tra 12 cơ sở thuộc địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, kết quả nhóm cơ sở sản xuất kinh doanh đường, cà phê bột, thịt bò và thủy hải sản chấp hành tương đối tốt các quy định của pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm; nhóm cơ sở kinh doanh rau, củ, quả, trứng gia cầm chưa được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra 80 cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thủy sản, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và các loại hình sản xuất, kinh doanh phân bón, giống cây lâm nghiệp… có 7 cơ sở đủ điều kiện xếp loại A, còn lại 73 cơ sở xếp loại B. Tổ chức kiểm tra về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với 33 cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản thực phẩm, không có cơ sở nào đạt loại A, có 29 cơ sở xếp loại B và 4 cơ sở loại C.
Ông Nguyễn Duyên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, cho biết: “Chi cục đã phổ biến Nghị định 91 ngày 8/11/2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm để các cơ sở sản xuất kinh doanh biết và thực hiện, để người tiêu dùng tích cực tham gia vào việc phòng ngừa, phát hiện và tố giác kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Trong thời gian tới, chi cục sẽ tham mưu xử lý nghiêm đối với những cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm…”.
Ông Nguyễn Duyên cho biết thêm, trong năm nay, chi cục tiếp tục triển khai thực hiện dự án Bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất nông lâm thủy sản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2013. Trong đó, tập trung tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp (thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) có nguy cơ ô nhiễm cao. Xây dựng và phát triển vùng sản xuất thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, tập trung các vùng sản xuất rau, vùng chăn nuôi và vùng nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ chứng nhận VietGAP, VietGAHP, VietGAqP…
Xây dựng mô hình và hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản áp dụng các chương trình quản lý phù hợp (GMP, SSOP, HACCP) nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, tiến hành đào tạo, tập huấn về an toàn thực phẩm; truyền thông về an toàn thực phẩm tại cộng đồng; kiểm tra, thanh tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thực phẩm… Bên cạnh đó, chi cục sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) triển khai thực hiện các chương trình giám sát quốc gia, chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi, chương trình giám sát an toàn thực phẩm thủy sản sau thu hoạch. Kiểm tra và chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản.
ANH NGỌC