Phú Yên hiện có khoảng 3.590ha cao su, trong đó khoảng 1.300ha cao su đã khai thác mủ. Nông dân trồng cao su ở Sông Hinh nói riêng và Phú Yên nói chung đang chờ Nhà máy chế biến cao su Phúc Nguyên xây dựng tại xã Ea Bar (Sông Hinh) đi vào hoạt động, để họ yên tâm đầu tư phát triển cây công nghiệp dài ngày này.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự (bìa trái) kiểm tra tiến độ xây dựng Nhà máy chế biến cao su Phúc Nguyên - Ảnh: N.CHUNG
CHỜ NHÀ MÁY
Trên địa bàn huyện miền núi Sông Hinh hiện có khoảng 2.800ha cao su, tập trung ở các xã phía tây nam của huyện như Ea Bar (1.650ha), Ea Ly (304ha), Ea Trol (260ha)… trong đó có khoảng 1.000ha đã khai thác mủ. Hiện nay, tại huyện Sông Hinh, thương lái thu mua gom mủ cao su tươi với giá 13.000-14.000 đồng/kg, mủ đông 18.000-19.000 đồng/kg và mủ khô khoảng 62.000 đồng/kg. Giá này thấp hơn nhiều so với các nơi khác như ở các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên, giá mủ cao su đông đã trên 20.000 đồng/kg.
Việc xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su đang xây dựng tại xã Ea Bar được nhiều nông dân trồng cao su trong tỉnh quan tâm. Ông Lê Văn Xuân ở thôn Vĩnh Sơn, xã Ea Trol, cho biết: “Hiện gia đình tôi có 7ha cây cao su, trong đó có 3ha trồng từ năm 2003 đến nay đã cho thu hoạch, còn lại hơn 4ha trồng được 3 năm. Với 4ha trồng sau, gia đình trồng giống PB260 mua từ tỉnh Bình Phước đang phát triển tốt, có sức chống chịu sâu bệnh và phù hợp thổ nhưỡng ở đây. Gia đình tôi dự kiến trồng thêm khoảng 3ha và chọn các giống chịu được gió, nắng hạn và thổ nhưỡng vùng đất Sông Hinh. Tuy nhiên, hiện giá mủ cao su không ổn định, các thương lái thu mua thường ép giá khi nông dân khai thác đại trà. Chúng tôi mong muốn nhà máy chế biến mủ cao su sớm đi vào hoạt động và điều quan trọng là có chính sách thu mua sản phẩm với giá cả hợp lý không để nông dân bị ép giá như lâu nay”.
Nông dân xã Ea Ly (Sông Hinh) khai thác mủ cao su - Ảnh: N.CHUNG
TÍN HIỆU VUI
Ông Đặng Minh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Phúc Nguyên, cho biết: “UBND tỉnh đã cho chủ trương để công ty chúng tôi xây dựng Nhà máy chế biến cao su tại xã Ea Bar, đến nay đã lắp đặt các thiết bị máy móc được hơn 80% khối lượng công việc, dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động từ đầu tháng 5/2013. Trong giai đoạn 1 từ nay đến 2015, công suất nhà máy là 5.000 tấn mủ khô/năm; giai đoạn 2 từ năm 2015 trở đi sẽ nâng công suất lên 10.000 tấn mủ khô/năm. Với công suất của nhà máy, công ty dự kiến sẽ bao tiêu sản phẩm cho nông dân khoảng 6.000ha và giai đoạn 2 sẽ tăng lên khoảng 12.000ha. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động, công ty sẽ cho xe đến từng thôn, buôn, để thu mua mủ cao su của nông dân với giá không thấp hơn các tỉnh trong khu vực. Chúng tôi cũng có kế hoạch đầu tư trồng cao su, tạo vùng nguyên liệu riêng để nhà máy hoạt động ổn định. Trước mắt, công ty cung cấp cho các hộ trồng cao su, cây giống đạt chất lượng, ứng vốn, đầu tư trang thiết bị, tập huấn kỹ thuật trồng, khai thác…”.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Theo quy hoạch, huyện sẽ phát triển diện tích cao su đến năm 2015 khoảng 5.000ha. UBND huyện Sông Hinh đã làm việc và đề nghị Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Phúc Nguyên có chính sách đầu tư thích đáng cho vùng nguyên liệu, giá cả ổn định theo hướng đảm bảo cho người trồng cao su có lãi. Huyện Sông Hinh sẽ tạo điều kiện để Nhà máy chế biến cao su Phúc Nguyên xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.
NGỌC CHUNG