Thứ Bảy, 25/05/2024 13:04 CH
Từ quốc lộ 1D đến hầm đường bộ qua Đèo cả:
Phú Yên vươn ra biển lớn
Thứ Hai, 11/02/2013 08:00 SA

Sự kiện khởi công xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả ngày 18/11/2012 mở ra bước ngoặt lớn trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên. Từ đây, Phú Yên được mệnh danh “một cái phòng rộng ba bề kín mít” tiếp tục được khơi thông ở phía nam. Sự kiện này mang ý nghĩa lớn như sự kiện nối ray đường sắt Bắc - Nam tại ga Hảo Sơn vào ngày 2/9/1936, tạo nên một cú hích mới trong quá trình giao lưu, kết nối với các vùng miền trong cả nước.

 

khoi-cong-ham-deo-Ca.jpg

Lãnh đạo Trung ương và 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa bấm nút khởi công xây dựng Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả - QL1 - Ảnh: D.T.XUÂN

Đã 15 năm qua, kể từ khi sự kiện khởi công xây dựng tuyến đường ven biển Quy Nhơn - Sông Cầu tránh đèo Cù Mông vào năm 1997, người dân đất Phú mới đón nhận sự kiện có ý nghĩa lớn lao đối với tiến trình phát triển quê hương Phú Yên. Cùng với việc mở đường bay Hà Nội - Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh, dự án Nâng cấp sân bay Tuy Hòa và xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên, hầm đường bộ qua đèo Cả là bước tiến lớn trong hệ thống giao thông tỉnh Phú Yên. Nhìn lại lịch sử phát triển hơn 400 năm vùng đất Phú Yên mới thấy giá trị lớn lao của sự kiện này. Nó không chỉ là chiến lược phát triển chung của đất nước, mà đối với Phú Yên là sự khắc phục những di sản không thuận lợi.

 

CÙ MÔNG, ÐÈO CẢ - NHỮNG DI SẢN HẠN CHẾ PHÁT TRIỂN VÙNG ÐẤT PHÚ YÊN

 

Trong quá trình phát triển vùng đất, ngoài những di sản về chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội, di sản địa lý nhân văn đóng vai trò quan trọng tác động đến sự phát triển của vùng đất, nó vừa là thách thức, vừa là động lực thúc đẩy sự vươn lên của một vùng đất. Phú Yên sở hữu hai dãy núi Cù Mông ở phía bắc và đèo Cả ở phía nam, tạo thành “một cái rộng ba bề kín mít” đã tác động toàn diện và sâu sắc đến lịch sử phát triển của mình.

 

Lịch sử phát triển hơn 400 năm cho thấy Phú Yên nhiều lần sáp nhập vào hai tỉnh Bình Định và Khánh Hòa. Di sản sáp nhập Phú Yên đã tác động không nhỏ đến các chính sách về kinh tế, văn hóa - xã hội qua mỗi thời kỳ lịch sử. Phú Yên bị lu mờ giữa hai tỉnh Bình Định và Khánh Hòa. Những di sản về tách nhập kéo theo sự đầu tư không đúng mức và ngang bằng với các vùng đất khác. Hệ lụy này tác động đến vị thế và tính quảng bá của vùng đất Phú Yên. Cho đến những năm thập niên 80, 90 thế kỷ XX, khi nói về tỉnh thành Phú Yên thì không ít người hỏi “Phú Yên nằm ở đâu?”. Những di sản trên phần nào chịu sự tác động của điều kiện tự nhiên, và trực tiếp hơn nữa là hai dãy núi Cù Mông và đèo Cả.

 

Ảnh hưởng lớn nhất có thể thấy ở hai dãy núi Cù Mông, đèo Cả là giao thông. Trong lịch sử phát triển vùng đất Phú Yên, giao thông luôn là nỗi ám ảnh không chỉ đối với người dân trong tỉnh mà còn với người dân cả nước. Giao thông khó khăn đã kéo theo hàng loạt các vấn đề về kinh tế, văn hóa, giáo dục. Để khắc phục những khó khăn đó, Phú Yên chỉ biết lựa chọn hình thức giao thông đường thủy là chủ yếu và đây là một trong những nguyên do lý giải tại sao Phú Yên chú trọng phát triển vùng Tuy An và Sông Cầu hơn Tuy Hòa khi người Pháp chưa nối ray đường sắt và xây dựng hệ thống đường bộ. Sau thời gian, Phú Yên nhận ra giao thông đường thủy chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Bởi lẽ tính an toàn và lệ thuộc quá nhiều vào thời tiết, cùng với đó là nền nông nghiệp mùa vụ nên đường thủy không mang lại hiệu quả cho kinh tế. Trong quá trình khai thác thuộc địa ở Phú Yên, người Pháp đã nhận ra những vấn đề này và họ đã tiến hành xây dựng hệ thống đường bộ từ đèo Cù Mông cho đến đèo Cả và tiến hành xây dựng đường sắt qua địa phận Phú Yên.

 

Các tác phẩm nghiên cứu trước đây đều cho rằng quá trình hình thành tính cách người Việt ở Phú Yên chịu sự tác động của điều kiện tự nhiên, đặc biệt là về địa hình với hai dãy núi Cù Mông ở phía nam và đèo Cả ở phía bắc. Người Việt ở Phú Yên thường không đi xa làm ăn và học hành, ít giao lưu với cư dân ở các vùng khác. Chính điều này đã hình thành nên người Việt ở Phú Yên với những tính cách thật thà, trung thực, ít linh hoạt và cả tin. Những giải pháp mà các tác phẩm trước đây đưa ra đều tập trung vào việc mở rộng giao thông và phát triển kinh tế thương mại nhằm hạn chế những điểm yếu và khơi dậy những tiềm năng của người Việt ở Phú Yên.

 

da-bia-deo-ca.jpg

Đá Bia - đèo Cả - Ảnh:N.LÊ

QUỐC LỘ 1D, HẦM ÐƯỜNG BỘ ÐÈO CẢ - CÚ HÍCH THÚC ÐẨY PHÚ YÊN VƯƠN RA BIỂN LỚN

 

Nhìn lại 15 năm kể từ khi khởi công xây dựng tuyến đường ven biển Quy Nhơn - Sông Cầu, phía bắc Phú Yên đã có những thay đổi lớn về kinh tế, văn hóa - xã hội. Đô thị Sông Cầu được khơi thông và kết nối với TP Quy Nhơn để phát triển. Sau 15 năm ấy đã khêu gợi cho người dân Phú Yên về tầm quan trọng của quốc lộ 1D và hướng phát triển phía bắc Phú Yên với trung tâm là Sông Cầu. Kết nối và phụ thuộc vào Quy Nhơn để Sông Cầu phát triển là điều chúng ta càng thúc đẩy hơn nữa. Sông Cầu sẽ dựa vào đô thị Quy Nhơn để phát triển văn hóa, giáo dục và lựa chọn một cơ cấu kinh tế phù hợp kết nối với các khu kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi, Chu Lai - Tam Kỳ - Điện Bàn và Đà Nẵng.

 

Với hầm đường bộ qua đèo Cả, sự kiện này mang ý nghĩa như việc nối ray đường sắt Bắc - Nam tại ga Hảo Sơn vào ngày 2/9/1936, mở ra bước ngoặt mới trong phát triển kinh tế - xã hội Phú Yên, đặc biệt là đô thị Tuy Hòa. Trong những năm tới, Tuy Hòa kết nối với cảng Vân Phong và Nha Trang một cách thuận lợi, cùng với đó là sự tận dụng nguồn lực của vùng Nam Tây Nguyên và Khu kinh tế trọng điểm phía Nam tạo nên những bức phá trong lịch sử phát triển vùng đất Phú Yên.

 

Trong bối cảnh phát triển và hội nhập, cơ sở lịch sử - văn hóa - xã hội ngày càng nổi lên với vai trò là nền tảng cho sự phát triển bền vững của bất kỳ một quốc gia hay một vùng đất nào. Các quốc gia muốn phát triển phải dựa trên những di sản của chính bản thân mình. Trong những di sản ấy, có những di sản thuận lợi và di sản không thuận lợi, vừa là động lực, vừa là thách thức đối với sức bật của một vùng đất. Có thể nói, từ quốc lộ 1D đến Hầm đường bộ đèo Cả là sự hoàn thiện của hệ thống giao thông đường bộ hiện đại ở Phú Yên. Những sự kiện này minh chứng cho sự am hiểu về những di sản của vùng đất Phú Yên, để rồi từ đó từng bước khắc phục những di sản hạn chế và khơi dậy những di sản thuận lợi của các thế hệ Phú Yên.

NGÔ MINH SANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek