Đến nay, toàn tỉnh đã xuống giống 26.070ha lúa đông xuân 2012-2013, tăng hơn 570ha so với kế hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bão số 1, mưa kéo dài gây ngập úng hơn 1.715ha lúa mới gieo sạ, một số diện tích lúa bị hư và phải gieo sạ lại. Trước tình hình này, Sở NN-PTNT chỉ đạo các địa phương và nông dân tăng cường chăm sóc, theo dõi sâu bệnh để vụ lúa đông xuân đạt kết quả tốt.
Nông dân Phú Yên ra đồng cấy dặm lúa đông xuân 2012-2013 - Ảnh: N.CHUNG
NHIỀU DIỆN TÍCH LÚA BỊ THIỆT HẠI
Trong số 26.070ha được gieo sạ, tập trung các giống ML202, ML49, ML4, ML68, ML48, ML213, TH10… Số diện tích chưa gieo sạ nằm rải rác ở các vùng trũng, vùng cuối kênh, các xã Hòa Tân Đông (Đông Hòa) 200ha, Hòa Thịnh (Tây Hòa) 30ha, An Cư (Tuy An) 60ha phường 9 (TP Tuy Hòa) 40ha. Trước đó, do ảnh hưởng mưa kéo dài từ cơn bão số 1 đã gây ngập úng nhiều cánh đồng ở một số địa phương trong tỉnh, làm một số diện tích lúa bị hư hại. Ông Nguyễn Văn Thư, Phó phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa cho biết: “Từ ngày 5-10/1, trên địa bàn huyện liên tục có mưa đã gây ngập úng gần 1.160ha lúa vừa gieo sạ, gây hư hại hơn 760ha. Nhiều nơi nông dân phải gieo sạ lại”.
Không chỉ nhiều diện tích lúa ở huyện Đông Hòa bị ngập úng mà nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng bị ảnh hưởng bởi bão số 1. Bà Nguyễn Thị Năm ở xã Hòa An (Phú Hòa) cho biết: “Do mưa lớn gây ngập úng, cộng thêm thời tiết lạnh đã làm lúa chậm phát triển, chết nhiều. Từ đầu vụ, tôi đã thuê 12 công, mỗi công 100.000 đồng, nhưng đến nay vẫn chưa cấy dặm xong 4 sào lúa. Mới đầu vụ đã chi hơn 1 triệu đồng, cộng thêm tiền phân, thuốc…, tôi sợ đến khi thu hoạch không đủ tiền chi phí cho cả vụ lúa”.
Theo Sở NN-PTNT, do mưa lớn kéo dài trong đợt bão số 1 đã gây ngập úng và hư hại hơn 1.715ha lúa mới gieo sạ trên địa bàn tỉnh; trong đó, TP Tuy Hòa l79ha, các huyện Phú Hòa 356ha, Đông Hòa 763ha, Tây Hòa 418ha.
Ngoài ra, TP Tuy Hòa có khoảng 5,5 tấn lúa giống đã ngâm ủ bị hư do ruộng ngập nước không thể gieo sạ. Bên cạnh đó, một số cánh đồng bị chuột cắn phá hơn 1,5ha, sâu keo 2ha, rầy mềm 4ha… tập trung ở các huyện Đồng Xuân, Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa.
ĐẨY MẠNH CHĂM SÓC LÚA
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết tiếp tục diễn biến bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, để chủ động chăm sóc lúa đông xuân, Sở NN-PTNT đề nghị các phòng NN-PTNT, Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo các xã, hợp tác xã nông nghiệp tu sửa hệ thống kênh mương, hồ đập chứa nước, chuẩn bị tốt các điều kiện để tưới, tiêu nước chủ động trong suốt vụ. Biện pháp tưới luân phiên, quy trình “1 phải - 5 giảm” (phải sử dụng giống xác nhận; giảm giống, giảm phân, giảm thuốc, giảm nước, giảm thất thoát sau thu hoạch) được khuyến khích áp dụng. Khi cây lúa khoảng 30 ngày tuổi, nông dân có thể tháo cạn nước để hạn chế đẻ nhánh vô hiệu, giải thoát khí độc trong đất, kích thích rễ ăn sâu. Ngoài việc bón thúc phân khi trời nắng ấm, người dân có thể sử dụng các loại phân bón qua lá như K-Humate, A-H502, A-H503, K-H701, K-H702… để tăng khả năng chống chịu rét của lúa. Nông dân cần tăng cường bón phân kali cho lần bón thúc lần một sử dụng phân chuồng hoai, mục, tro bếp để bón ruộng nhằm tăng sức chống rét cho cây lúa. Các phòng chuyên môn tăng cường công tác theo dõi, dự báo tình hình sâu bệnh đối với diện tích đã gieo sạ; khuyến cáo bà con lưu ý thời tiết âm u, sáng sớm lạnh và nhiều sương là điều kiện để sâu năn và bệnh đạo ôn gây hại, nhất là trên trà lúa đẻ nhánh ở những chân ruộng ven núi, chế độ chăm sóc không hợp lý.
Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Sở đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ xuống giống gieo sạ dứt điểm diện tích lúa vụ đông xuân trà muộn tại các vùng trũng thấp còn lại; đồng thời hướng dẫn nông dân tiếp tục chăm sóc đồng ruộng, nhất là các vùng trũng, tiến hành nhổ bỏ cây lúa cỏ, lúa lẫn giống, lúa dị dạng, cỏ dại… Nông dân nên thường xuyên thăm đồng trước, trong và sau Tết Nguyên đán nhằm sớm phát hiện các đối tượng dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Theo dự báo của Sở NN-PTNT, từ nay đến cuối vụ lúa đông xuân 2012-2013 trên địa bàn tỉnh có thể phát sinh các đối tượng sâu bệnh gây hại như bệnh đạo ôn, sâu năn, ốc bươu vàng, thối bẹ, thối thân, khô vằn, lem lép hạt, vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, sâu keo, chuột… Sở NN-PTNT khuyến cáo nông dân mở rộng, áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại theo quy trình của chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM, 3 giảm - 3 tăng; 1 phải - 5 giảm. Khi cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, người dân phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng và theo hướng dẫn của các trạm và Chi cục Bảo vệ thực vật. |
NGỌC CHUNG