Sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là trong tình hình nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt như hiện nay. Chính vì thế, UBND tỉnh vừa đưa ra đề án quy hoạch phát triển VLXD theo hướng tập trung, nhằm thuận tiện trong công tác quản lý; đảm bảo môi trường tự nhiên.
Khai thác đá tại mỏ đá Suối Cối, huyện Tây Hòa - Ảnh: H.NHƯ
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh đang rất dàn trải, lộn xộn và khó quản lý dẫn đến thất thoát nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Đề án quy hoạch phát triển VLXD ra đời phần nào khắc phục được tình trạng trên, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành VLXD trong cả nước. Theo đề án này, tất cả các ngành sản xuất xi măng; vật liệu xây - lợp nung và không nung; đá ốp lát tự nhiên và một số chủng loại khác được phân bố phù hợp với điều kiện từng địa phương với tiêu chí sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên, kết hợp hài hòa hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Đối với xi măng, Phú Yên phấn đấu đến năm 2015 sẽ nâng công suất lên 200.000 tấn/
năm và giữ nguyên công suất này đến năm 2020. Riêng với vật liệu xây, các sản phẩm không nung sẽ dần được thay thế cho các vật liệu nung. Bên cạnh đó, ngói trang trí chất lượng cao, có giá trị kinh tế, ngói cổ phục vụ cho xây dựng trong dân cư và các công trình như biệt thự, khách sạn cao cấp được tập trung phát triển.
Một trong những mục tiêu chính của đề án quy hoạch VLXD của tỉnh là tránh tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng các khu dân cư. Vì thế, các mỏ đá có vị trí thuộc ranh giới quy hoạch xây dựng đô thị và điểm dân cư nông thôn, ở các chân sườn đồi, núi dọc tuyến quốc lộ sẽ bị đóng cửa. Đặc biệt, việc khai thác đá chẻ theo hướng tự phát, không có giấy phép diễn ra khá phổ biến hiện nay sẽ giao cho các địa phương quản lý chặt chẽ và có biện pháp xử lý mạnh, tránh tái diễn; đồng thời tổ chức sắp xếp lại để bổ sung một phần nhu cầu vật liệu xây. Điểm đáng lưu ý khác trong đề án quy hoạch này là công tác tổ chức, sắp xếp khai thác cát; kiên quyết xử lý các tổ chức và hộ cá nhân cá thể không có chức năng khai thác cát. Đối với các hộ tư nhân khai thác cát nhỏ lẻ (có giấy phép) cần tổ chức sắp xếp lại, khuyến khích và tạo điều kiện để các cơ sở này liên kết, liên doanh hình thành các đơn vị khai thác tập trung để thuận lợi trong công tác quản lý. Do đặc điểm cát ở các lòng sông thay đổi theo mùa nên hàng năm, các cơ quan chức năng cần kiểm tra trữ lượng để bổ sung, điều chỉnh vào quy hoạch kịp thời. Dự kiến đến năm 2015, công suất khai thác cát xây dựng là 1,3 triệu m3/năm và đến năm 2020 là 2,5 triệu m3/năm.
Theo ông Huỳnh Lữ Tân, Phó giám đốc Sở Xây dựng, quy hoạch phát triển VLXD là một trong những yêu cầu cần thiết trong công tác quản lý. Điều này sẽ làm căn cứ để định hướng phát triển, tránh tình trạng dàn trải, lộn xộn trong quá trình sản xuất VLXD như hiện nay. Các doanh nghiệp sản xuất VLXD có thể mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh để tranh thủ sự đầu tư, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Với việc thực hiện đề án phát triển VLXD đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Phú Yên sẽ đảm bảo đáp ứng được nguồn VLXD tại chỗ cũng như cung cấp cho các khu vực lân cận và xuất khẩu ra nước ngoài.
HỒ NHƯ