Dịch vụ là xu hướng phát triển của nền kinh tế và ngày càngđóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Thời gian qua, bên cạnh những kết quả tích cực, dịch vụ và xuất nhập khẩu dịch vụ cũng đặt ra một số vấn đề.
Đón khách ở sân bay Tuy Hòa - Ảnh: N.TRƯỜNG
Tăng trưởng của khu vực dịch vụ có vai trò quan trọng với tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, tác động trực tiếp đến nhóm ngành sản xuất vật chất (nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng), làm tăng giá trị gia tăng cho những ngành đó. Trong tương lai, khi tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GDP tăng cao thì vai trò này càng lớn.
Từ năm 2005 đến nay, tăng trưởng của khu vực dịch vụ của Việt Nam liên tục cao hơn mức tăng trưởng GDP. Năm 2005: tương ứng 8,48% và 8,44%, năm 2010: 7,54 % và 6,78%, năm 2012: 6,42% và 5,03%. Bên cạnh đó, tỉ trọng lao động làm việc trong khu vực dịch vụ liên tục tăng lên; năm 2005 là 26,3%, năm 2010 là 29,6%, năm 2012 là 31,4%. Năng suất lao động của nhóm ngành dịch vụ cũng cao hơn của toàn bộ nền kinh tế, năm 2005: tương ứng 28,7 triệu đồng và 19,6 triệu đồng; năm 2010: 52,2 triệu đồng và 40,3 triệu đồng; năm 2012: 68,4 triệu đồng và 57,1 triệu đồng.
Trong đó, xuất khẩu dịch vụ du lịch tăng với tốc độ cao nhất, năm 2012 đạt 18%, gần gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung của khu vực dịch vụ. Tỉ trọng xuất khẩu dịch vụ du lịch trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ năm 2012 tăng lên 70,2% so với mức 63,3% của năm 2011. Kết quả này là do lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt kỷ lục mới và chi tiêu bình quân của khách du lịch tăng khá. Nhờ có xuất siêu dịch vụ du lịch với 4,7 tỉ USD, đã góp phần hạn chế nhập siêu trong lĩnh vực dịch vụ.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực như trên nhưng khu vực dịch vụ và xuất nhập khẩu dịch vụ cũng còn một số vấn đề.
Tỉ trọng lao động làm việc trong khu vực dịch vụ trong tổng số lao động trong toàn bộ nền kinh tế có tăng lên nhưng tỉ trọng đóng góp trong GDP lại không tăng, thậm chí có năm còn giảm. Điều này chứng tỏ năng suất lao động của khu vực dịch vụ tăng chậm, chủ yếu do lao động trong một số ngành khu vực dịch vụ chưa có tính chuyên nghiệp cao. Một số dịch vụ như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng tăng trưởng chậm, thậm chí suy giảm.
Quy mô xuất khẩu dịch vụ còn rất nhỏ. Tỉ trọng xuất khẩu dịch vụ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa dịch vụ giảm từ 11,6% năm 2005 xuống 7,6% năm 2012.
Việt Nam liên tục nhập siêu dịch vụ và tỉ lệ nhập siêu trên xuất khẩu còn lớn. Năm 2012, nhập siêu dịch vụ là 3,1 tỉ USD, bằng 33% xuất khẩu dịch vụ. Duy nhất dịch vụ du lịch xuất siêu, còn lại đều nhập siêu, kể cả những dịch vụ quan trọng như vận tải, viễn thông, tài chính, bảo hiểm… Trong đó, nhập siêu lớn nhất là dịch vụ vận tải. Năm 2012, xuất khẩu dịch vụ vận tải đạt 2,1 tỉ USD nhưng nhập khẩu dịch vụ vận tải tới 8,7 tỉ USD.
(Chinhphu.vn)