Từ khi Thông tư liên ngành Giao thông - Tài chính về mức thu bảo trì đường bộ chính thức được áp dụng vào ngày 1/1/2013, tất cả các loại ô tô trên địa bàn tỉnh ta đều phải đóng loại phí này khi đi đăng kiểm xe. Điều này gây không ít khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Theo nhiều nhà xe, để có thể hoạt động kinh doanh họ buộc phải tăng giá cước vận chuyển trong thời gian tới.
Theo quy định, mức thu phí đường bộ của ô tô có mức thấp nhất là 130.000 đồng/tháng (áp dụng cho xe dưới 9 chỗ); mức phí cao nhất 1,04 triệu đồng/tháng (dành cho xe tải, xe chuyên dùng trọng tải trên 27 tấn). Chủ ô tô đóng phí theo chu kỳ đăng kiểm tại cơ quan đăng kiểm. Sau khi nộp phí, cơ quan này sẽ dán tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp. Ông Tô Kỳ Hỷ, Giám đốc bộ phận Vận tải hành khách taxi Thuận Thảo (TP Tuy Hòa) cho biết: “Hiện doanh nghiệp đang có trên 80 đầu xe các loại gồm taxi, xe tải và xe khách hoạt động. Tính trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp phải bỏ ra gần 100 triệu đồng để đóng phí sử dụng đường bộ theo quy định. Trong thời kỳ kinh tế suy thoái, nhu cầu vận chuyển của người dân trong tỉnh không còn mạnh như trước, có thời điểm chúng tôi giảm giá 10% để thu hút khách hàng nên hiện tại doanh nghiệp đang rất khó khăn. Đặc biệt trong thời điểm gần Tết Nguyên đán, tất cả các vé xe khách đường dài đều đã bán hết nên việc tăng giá vé hiện nay là không thể thực hiện. Chúng tôi phải chấp nhận bù lỗ những tháng đầu năm này. Tuy nhiên, có thể sau tết, chúng tôi sẽ cân đối, tính toán lại tất cả các chi phí để tăng giá cước”.
Trong tình trạng tương tự, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khác ở Phú Yên đều rục rịch chờ tăng giá vé vận chuyển sau Tết Nguyên đán. Theo ông Hồ Trư, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Du lịch và Vận tải Cúc Tư (TP Tuy Hòa), đóng phí bảo trì đường bộ cũng có nghĩa là mua một dịch vụ để doanh nghiệp vận tải hoạt động tốt hơn nên đây là khoản phí cần thiết, doanh nghiệp cũng đồng tình ủng hộ đóng phí này. Tuy nhiên, việc đóng thêm một loại phí sẽ tác động đến hoạt động tài chính của doanh nghiệp nên việc tăng giá cước vận tải trong thời gian đến là điều cần thiết, phù hợp với giá thành đầu vào. Tăng giá cước với điều kiện hiện tại của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải là hợp lý nhưng sẽ tăng bao nhiêu phần trăm so với giá hiện tại là một vấn đề cần được quan tâm. Theo Sở GTVT, việc tăng giá vé là do các doanh nghiệp tự tính toán, điều chỉnh và thống nhất với nhau. Tuy nhiên, mức tăng phải phù hợp với các chi phí ban đầu mà doanh nghiệp bỏ ra, kể cả khi đóng thêm phí sử dụng đường bộ.
NHƯ THANH