Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP) chi nhánh Phú Yên đang triển khai cho vay những dự án khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ, mở rộng cơ sở sản xuất. Đây là điểm khác biệt của tỉnh trong việc sử dụng vốn chương trình tín dụng giải quyết việc làm, thu hút thêm nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Người dân thôn Tiên Châu, xã An Ninh Tây (Tuy An) được vay vốn phát triển làng nghề đan lưới - Ảnh: LÊ HẢO
GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM, TĂNG THU NHẬP
Ông Trương Viết Hiển ở thôn Hòa An (xã Xuân Hòa, TX Sông Cầu) cho biết: “Mỗi ngày, xưởng làm cá cơm của tôi phơi sấy được gần 10 tấn cá. Nếu có nguồn cung cấp ổn định, cơ sở này giải quyết việc làm cho 20 lao động thường trực và nhiều người dân trong vùng đến làm thời vụ. Tùy theo thời tiết, mùa cá mà mỗi lao động có thể kiếm được từ 50.000 đến 400.000 đồng/người/ngày. Tôi đang muốn vay thêm vốn để mở rộng xưởng sản xuất, làm lò và kho trữ hàng hóa lâu hơn”. Làng nghề dệt chiếu cói xã An Cư cũng được phê duyệt cho vay 490 triệu đồng vào năm 2010. Dự án này giải quyết việc làm cho gần 100 lao động địa phương, có thu nhập trung bình lên đến 4 triệu đồng/người/tháng. Khi được giải ngân vốn, người dân đã đầu tư mua máy dệt, máy may bìa nhằm đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2011, xã An Ninh Tây (Tuy An) được vay hơn 1,1 tỉ đồng để phát triển ba làng nghề làm mắm, đan lưới và làm bánh tráng, tạo việc làm mới cho 72 lao động, trong đó chủ yếu là lao động nữ…
Hơn 3 năm qua, VBSP Phú Yên đã thẩm định, giải ngân cho vay gần 30 dự án phát triển làng nghề với tổng dư nợ hơn 10,5 tỉ đồng cho gần 1.200 hộ vay, thu hút hơn 1.700 lao động vào làm việc. Năm 2010, Hội Nông dân xã Xuân Hòa phối hợp cùng Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội TX Sông Cầu lập dự án cho làng nghề chế biến cá cơm khô thôn Hòa An, xã An Hòa vay vốn với số tiền 500 triệu đồng. Sau khi được vay vốn, nhiều gia đình tham gia dự án đã đầu tư xây lò hấp, giàn phơi, mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm cho 60 người, thu hút thêm 50 lao động, góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp ở địa phương.
Theo bà Bùi Thị Yên, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Tuy An, những dự án vay vốn phát triển làng nghề đều có tính khả thi cao. Các hộ vay từ khi nhận vốn đến nay đều sử dụng đúng mục đích, chí thú làm ăn, phát triển làng nghề, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho gia đình. Bà Võ Thị Phượng ở thôn Tiên Châu, xã An Ninh Tây (Tuy An) chia sẻ: Hai vợ chồng tôi có 4 đứa con. Mùa biển êm, chồng theo ghe đi bạn, tôi ở nhà ra cảng mua bán cá, thu nhập rất bấp bênh. Nhà có mấy sào ruộng nhưng nuôi 6 miệng ăn nên cũng chẳng thấm vào đâu. Hơn năm nay, chị Trần Thị Lành (người cùng thôn) vay vốn chính sách, mua cước, nhợ rồi rủ mấy chị em trong xóm đến đan lưới kiếm thêm thu nhập. Nhờ vậy, tôi có được đồng ra đồng vô mua gạo cho con.
Làng nghề chế biến cá cơm Hòa An (xã Xuân Hòa, TX Sông Cầu) góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương - Ảnh: LÊ HẢO
SỬ DỤNG VỐN ĐÚNG HƯỚNG
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ năm 2009, VBSP Phú Yên bắt đầu ưu tiên sử dụng nguồn vốn tín dụng giải quyết việc làm tập trung cho vay các dự án phát triển làng nghề truyền thống, thu hút nhiều lao động. Ông Hồ Văn Thục, Phó giám đốc VBSP Phú Yên cho biết: Trước đây, từng hộ trong làng nghề đều làm ăn riêng lẻ, sản phẩm ít, nguồn cung không ổn định nên khó tìm kiếm đầu ra. Thu nhập bấp bênh, cộng với việc không cạnh tranh được với các sản phẩm công nghiệp trên thị trường đã dẫn đến việc nhiều hộ bỏ nghề, làng nghề dần bị mai một. Trước thực tế đó, UBND tỉnh chỉ đạo VBSP Phú Yên phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, thẩm định cho các hộ vay vốn tiếp tục sản xuất, khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống. Bám sát định hướng phát triển làng nghề của UBND tỉnh, VBSP Phú Yên tiến hành tuyên truyền, thông báo rộng rãi đến các địa phương có nhu cầu vay vốn; phối hợp với chính quyền, hội đoàn thể nơi có làng nghề để vận động, hướng dẫn người dân thành lập dự án và nhóm vay. Sau khi được phê duyệt, mỗi dự án có nguồn vốn từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, thời hạn vay trong 1-2 năm với lãi suất 0,65%/tháng.
Hàng năm, UBND tỉnh ưu tiên bố trí một phần lớn trong nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để cho vay phát triển làng nghề. Tháng 9/2012, khi thành lập Quỹ giải quyết việc làm tỉnh, Phú Yên cũng bố trí hẳn 1,5 tỉ đồng từ nguồn vốn của quỹ này, ủy thác cho VBSP Phú Yên giải ngân cho các hộ dân làng nghề vay vốn sản xuất. Nhiều dự án được vay vốn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần khôi phục làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương như dự án phát triển làng nghề đan đát ở xã Hòa An (Phú Hòa), phát triển làng nghề chiếu cói ở xã Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa), khôi phục và phát triển làng nghề chiếu cói xã An Cư (Tuy An), làng nghề chế biến cá cơm Hòa An (xã Xuân Hòa, TX Sông Cầu), làng nghề đan ngư lưới cụ và làm nước mắm Tiên Châu (xã An Ninh Tây, Tuy An)…
Theo ông Thục, việc cho vay theo dự án đã khắc phục tình trạng cho vay tản mát; người dân sản xuất tập trung, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, liên kết tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định; ngân hàng cũng dễ dàng quản lý vốn vay. Tuy nhiên, hiện thời gian xét duyệt dự án từ cơ sở còn chậm. Thời gian tới, chính quyền địa phương cần chủ động xem xét và sớm đề xuất nhu cầu vay vốn của người dân tại các làng nghề. Mỗi năm, UBND tỉnh cũng cần có kế hoạch vốn hợp lý và sớm bố trí để ngân hàng chủ động trong quá trình cho vay.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn chỉ đạo: VBSP Phú Yên cần phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương có làng nghề vay vốn thường xuyên kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ vay, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi và gốc đúng hạn. Người dân cũng cần cố gắng duy trì sản xuất; cộng đồng trách nhiệm, chấp hành việc trả lãi và gốc đúng hạn để tiếp tục được vay mới; đồng thời chủ động nguồn vốn, kết hợp với vốn của ngân hàng để phát huy hiệu quả sản xuất. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn đã động viên những người vay vốn. Các hội, đoàn thể ở cơ sở cần sâu sát nhu cầu của người dân, hỗ trợ người dân lập dự án vay vốn để phát triển làng nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
LÊ HẢO
Năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt cho 7 dự án vay từ nguồn vốn của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và Quỹ giải quyết việc làm tỉnh với số tiền 2,5 tỉ đồng, tạo việc làm cho 220 người, thu hút thêm 440 lao động, trong đó đa phần là lao động nữ. Các dự án được vay vốn để phát triển làng nghề trồng rau, hoa ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa); làng nghề đan đát ở huyện Phú Hòa; làng nghề làm gốm ở xã Hòa Vinh (Đông Hòa); làng nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Hòa Phong (Tây Hòa); làng nghề làm thúng chai An Định, bánh tráng An Mỹ, chế biến nước mắn An Chấn (Tuy An).