Công ty TNHH Thanh Tùng – nhà đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất các sản phẩm từ rác thải đang chờ tỉnh cho phép khởi công công trình. Đây là dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử lý chất thải rắn đang được khuyến khích ưu đãi.
Rác thải của TP Tuy Hòa đang được tập kết về bãi rác Thọ Vức - Ảnh: H.TRUNG
Theo Sở KH-ĐT, sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, Công ty TNHH Thanh Tùng đã hoàn tất những thủ tục cần thiết để triển khai dự án, trong đó có báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ TN-MT phê duyệt. Doanh nghiệp này đã được thuê và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 10ha đất thuộc thôn Thọ Vức, xã Hòa Kiến và Phú Lương, xã An Phú, TP Tuy Hòa để xây dựng nhà máy. Nhà đầu tư cũng thực hiện ký quỹ 2 tỉ đồng theo quy định của tỉnh. Ông Nguyễn Chí Hiến, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, tiến độ thực hiện Dự án Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất các sản phẩm từ rác thải của Công ty TNHH Thanh Tùng còn chậm, nhưng nhà đầu tư có cố gắng để thực hiện khá nhiều thủ tục trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Đây là dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử lý chất thải rắn được Chính phủ khuyến khích nên nhà đầu tư cần được hỗ trợ để dự án được tiếp tục triển khai. Sở Tài chính cũng đã thẩm định phương án giá, các cơ chế về tài chính đối với dự án này và đề nghị mức hỗ trợ chi phí xử lý rác cho Công ty TNHH Thanh Tùng là 353.000 đồng/tấn (tạm tính) nhưng còn chờ UBND tỉnh thông qua. Ngoài việc tạo điều kiện của tỉnh, nhà đầu tư cũng phải cam kết rõ ràng về tiến độ thực hiện dự án, thời gian khởi công, thời gian hoàn thành.
Theo bà Lê Thị Tỵ Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng, Dự án Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất một số sản phẩm từ rác thải do doanh nghiệp đầu tư chậm triển khai vì phải thực hiện nhiều trình tự thủ tục, trong đó có báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án lại thuộc vào lĩnh vực đầu tư khá đặc biệt cần sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước khi xử lý rác thải. Dự án phải điều chỉnh công suất nhà máy từ 200 tấn lên 300 tấn/ngày với tổng mức đầu tư khoảng 460 tỉ đồng; công nghệ thì chuyển từ công nghệ An Sinh-ASC sang công nghệ có kết hợp tính ưu việt trong xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty Masias (Tây Ban Nha), bổ sung một số máy móc thiết bị của tập đoàn Lemna (Hoa Kỳ) trên cơ sở tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của mỗi công nghệ. Rác thải khi nhập vào nhà máy sẽ được phân loại, xử lý sau đó được chế biến thành phân Compost, hạt nhựa HDPE (màng chống thấm) chất lượng cao. Các thành phần trơ không tái chế được sẽ được chôn lấp hợp vệ sinh. Để đảm bảo nguyên liệu cho hoạt động của nhà máy, Công ty TNHH Thanh Tùng đã tìm hiểu, tổng hợp lượng rác thải của các huyện Tuy An, Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa và TP Tuy Hòa có đủ cho nhà máy hoạt động. Kinh phí để triển khai dự án cũng được huy động sẵn sàng để khởi công xây dựng nhà máy. Theo kế hoạch, Công ty TNHH Thanh Tùng sẽ triển khai dự án vào cuối năm nay để có thể sớm hoàn thành, đưa Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất các sản phẩm từ rác thải vào hoạt động. Bà Lê Thị Tỵ khẳng định dự án sử dụng toàn bộ thiết bị mới 100% của các công ty thuộc Tây Ban Nha và Hoa Kỳ đồng thời nhà đầu tư cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề có tác động đến môi trường trong quá trình vận hành nhà máy như xử lý nước thải phát sinh trong quá trình tái chế hạt nhựa, mùi hôi trong nhà máy… để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến khu vực xung quanh.
THANH HOÀI