Trước tình trạng nhiều heo bệnh được nhân viên thú y cho nhập vào lò mổ phường 8, TP Tuy Hòa (Báo Phú Yên đã phản ánh), ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh đã trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên những vấn đề liên quan đến công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm và biện pháp khắc phục tình trạng này.
Giết mổ gia súc tại lò mổ phường 8, TP Tuy Hòa - Ảnh: T.HƯƠNG
* Hiện trên địa bàn Phú Yên có bao nhiêu điểm giết mổ gia súc, gia cầm và ngành thú y kiểm soát việc giết mổ như thế nào, thưa ông?
- Trên địa bàn tỉnh hiện có 196 điểm giết mổ gia súc, gia cầm được phép hoạt động, 1 lò mổ gia súc tại phường 8 (TP Tuy Hòa), 2 cơ sở giết mổ vịt đông lạnh tại huyện Đông Hòa và Tây Hòa. Các điểm và cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm này hàng ngày đều có nhân viên thú y kiểm tra trước, trong và sau giết mổ, đảm bảo động vật đưa vào giết mổ và sản phẩm sau khi giết mổ đạt chất lượng vệ sinh thú y. Những người làm nhiệm vụ kiểm soát thú y tại các điểm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đều là nhân viên hợp đồng của Trạm Thú y các địa phương, có trình độ chuyên môn từ trung cấp chăn nuôi trở lên, đảm bảo năng lực cho việc giám sát giết mổ động vật.
* Ngành thú y xử lý ra sao trước việc nhiều nhà lò phản ánh nhân viên thú y của lò mổ gia súc phường 8 (TP Tuy Hòa) cho nhập heo bệnh, thực tế đã phát hiện 7 con heo bệnh có trong lò mổ này vào ngày 12/11?
- Hằng ngày, tại lò mổ gia súc phường 8 có 3 nhân viên thú y hợp đồng với Trạm Thú y TP Tuy Hòa và cán bộ thú y của trạm phối hợp thực hiện công tác kiểm soát giết mổ. Theo nội quy của lò mổ thì gia súc được nhập vào lò từ 7-18g mỗi ngày, sau đó sẽ không được đưa về nữa. Nhưng lâu nay các tiểu thương khi nhập heo về lò lại không tuân thủ quy định này, vì vậy vẫn còn trường hợp gia súc đưa về lò mổ sau giờ quy định. Tuy nhiên, theo quy trình của Bộ NN-PTNT thì gia súc giết mổ sẽ được kiểm soát qua 3 giai đoạn: Khi gia súc được nhập về lò sẽ được nhân viên thú y kiểm tra lâm sàng, sau đó được kiểm tra lại một lần nữa trước khi giết mổ. Trong quá trình giết mổ, gia súc sẽ được nhân viên thú y giám sát, nếu phát hiện heo có biểu hiện của bệnh thì sẽ cho xử lý qua nhiệt (luộc chín) hoặc tiêu hủy đối với heo có dấu hiệu bệnh truyền nhiễm, cuối cùng thịt gia súc sẽ được kiểm tra và đóng dấu kiểm soát để đưa ra thị trường.
Trước sự việc heo bệnh được nhập vào lò mổ phường 8 vừa qua, ngành thú y đang siết chặt lại công tác kiểm soát giết mổ. Tại các cơ sở và lò mổ tập trung, ngành tăng cường thêm cán bộ thú y của trạm thú y địa phương. Lãnh đạo và thanh tra của Chi cục Thú y sẽ tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất tại các điểm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm cũng như các chợ trên địa bàn tỉnh... Riêng tại lò mổ gia súc phường 8, Chi cục Thú y tỉnh yêu cầu nhà lò nhập gia súc vào lò đúng thời gian quy định, trong khoảng thời gian này cán bộ thú y của Trạm Thú y TP Tuy Hòa sẽ trực tại lò mổ để kiểm tra lâm sàng gia súc khi nhập về lò.
* Nếu ngành thú y phát hiện nhà lò mua gia súc bệnh để giết mổ thì số gia súc và chủ gia súc sẽ bị xử lý thế nào, thưa ông?
- Khi kiểm tra lâm sàng phát hiện gia súc có triệu chứng bệnh thì nhân viên thú y sẽ cho nhốt cách ly; nếu xác định mắc các loại bệnh truyền nhiễm sẽ buộc tiêu hủy. Trường hợp gia súc nhiễm các loại bệnh thông thường sẽ được phép giết mổ có sự giám sát của nhân viên thú y; sản phẩm thịt sau giết mổ được luộc chín, nội tạng của gia súc phải tiêu hủy, khu vực giết mổ sẽ được phun thuốc tiêu độc sát trùng. Đối với chủ gia súc thì ngành thú y không có thẩm quyền xử phạt mà thuộc về trách nhiệm của ngành Quản lý thị trường hoặc UBND địa phương.
* Sau sự việc phát hiện heo bệnh được đưa vào lò mổ phường 8, ngành thú y đã làm gì để xác định tình hình dịch bệnh trên đàn heo?
- Sau khi nhận thông tin số heo bệnh trên được mua về từ xã Hòa Định Tây (Phú Hòa), Chi cục Thú y đã chỉ đạo cho Trạm Thú y huyện Phú Hòa rà soát, kiểm tra lại đàn heo và các hộ chăn nuôi heo của địa phương này. Qua kiểm tra đàn heo vẫn khỏe mạnh bình thường, không có triệu chứng mắc các bệnh truyền nhiễm. Hiện tổng đàn heo của huyện Phú Hòa khoảng 16.500 con, tập trung ở các xã Hòa Trị, Hòa An, Hòa Thắng, Trạm Thú y huyện Phú Hòa đang tiếp tục giám sát đàn heo để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bệnh dịch.
* Ngành thú y đang gặp khó khăn gì trong công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, thưa ông?
- Hiện trên địa bàn tỉnh chưa có khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, vì vậy việc giết mổ được thực hiện tại nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ, nằm rải rác trong khu dân cư nên công tác kiểm soát giết mổ gặp rất nhiều bất lợi, tốn nhiều kinh phí, nhân lực cho hoạt động này. Việc giết mổ gia súc, gia cầm hoạt động dưới hình thức hộ gia đình, nhỏ lẻ và manh mún nên không tránh khỏi tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm chui, công tác kiểm tra, phát hiện của ngành gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, ý thức của thương lái, nhà lò và người tiêu dùng chưa được nâng cao, vẫn còn trường hợp mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm bệnh cũng gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát của cơ quan thú y.
Xin cảm ơn ông!
TUYẾT HƯƠNG (thực hiện)