Để giúp doanh nghiệp mở rộng hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành Công thương đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp xâm nhập các thị trường tiềm năng. Châu Phi, Trung Đông là một trong những thị trường mới được cho là phù hợp với nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Phú Yên. Báo Phú Yên đã phỏng vấn ông Lê Thái Hòa, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương) xung quanh vấn đề này.
* Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng, thế mạnh của thị trường châu Phi, Trung Đông và cơ hội của các doanh nghiệp Phú Yên khi tham gia thị trường này?
Ông Lê Thái Hòa - Ảnh: N.XUÂN
- Các nước châu Phi và Trung Đông là những thị trường có nền kinh tế phát triển ổn định. Các nước này có thế mạnh là khai thác và xuất khẩu dầu mỏ nên có nguồn thu rất lớn. Hiện sức mua của thị trường này lớn, nhu cầu hàng hóa đa dạng; khả năng thanh toán dồi dào nên đây là thị trường đầy tiềm năng. Đặc biệt, các nước ở khu vực này không có nhiều điều kiện phát triển trồng trọt, sản xuất các ngành công nghiệp khác nên nhu cầu nhập khẩu các loại thực phẩm, nhu yếu phẩm rất cao. Ngoài những nước có thế mạnh xuất khẩu dầu mỏ ở khu vực vùng Vịnh, khu vực này còn có nhiều thị trường lớn như Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một thị trường với số dân gần 80 triệu người; là cửa ngõ đi vào thị trường châu Âu. Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ phát triển rất mạnh và nước này đang có nhu cầu đẩy mạnh quan hệ kinh tế - xã hội với các nước châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Hàng hóa của Việt Nam đang xuất khẩu qua các nước Trung Đông gồm: Các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại di động; hàng dệt may, thời trang, giày dép, thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, cao su tự nhiên… Các tỉnh miền Trung nói chung, Phú Yên nói riêng có nhiều sản phẩm phù hợp với thị trường này. Nhất là hàng hải sản là thực phẩm ưa thích của người dân khu vực này. Các doanh nghiệp của Phú Yên nên tận dụng thế mạnh của mình để xâm nhập thị trường châu Phi và Trung Đông.
Ngoài ra, ở khu vực này nhu cầu về hàng vật liệu xây dựng cũng rất lớn. Các nước Trung Đông đang có nhu cầu đô thị hóa các vùng đất sa mạc. Do vậy, họ có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng như các loại đá giả cổ, đá ốp tường, sứ vệ sinh… Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng của tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ. Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải chủ động tiếp cận với những thị trường mới này.
Các loại thủy sản của Việt Nam được các nước châu Phi, Trung Đông ưa chuộng - Ảnh: N.XUÂN |
* Phú Yên có nhiều sản phẩm phù hợp với thị trường châu Phi, Trung Đông nhưng các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường này. Ngành Công thương đã có những cơ chế, chính sách gì để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường này?
- Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển quan hệ Việt Nam - Trung Đông. Theo đó, mỗi ngành căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ đưa ra các chương trình hành động nhằm thúc đẩy sự hợp tác trong từng chuyên ngành ở khu vực châu Phi và Trung Đông. Bộ Công thương đang xây dựng đề án phát triển thị trường, trong đó tập trung vào việc phát triển thị trường này nhằm định hướng hoạt động cho các doanh nghiệp và biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, xâm nhập. Đề án này đang tiếp tục được xây dựng và sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới.
Ngành Công thương cũng thường xuyên nghiên cứu, định hướng thị trường; thông tin tuyên truyền cho các doanh nghiệp trong nước về những cơ hội, tiềm năng của các thị trường trong khu vực đối với các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, ngành Công thương cũng cung cấp các thông tin về tiềm năng, thế mạnh xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đến các nước châu Phi và Trung Đông.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Công thương đã tổ chức nhiều hội thảo ở các địa phương để giới thiệu các tiềm năng, triển vọng của thị trường châu Phi, Trung Đông; tạo cơ hội tìm hiểu, hợp tác giữa các đơn vị; chỉ đạo các hệ thống, cơ quan thương vụ nghiên cứu thị trường cung cấp các quy định về xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp; tìm kiếm khách hàng, giới thiệu đối tác ở khu vực này cho các doanh nghiệp.
Bản thân các thương vụ, Sở Công thương cũng hỗ trợ các doanh nghiệp thẩm tra, xác minh các doanh nghiệp kinh doanh trong khu vực này để tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường mới.
Bộ Công thương đã tổ chức nhiều chương tình xúc tiến thương mại, đưa các doanh nghiệp đi khảo sát thị trường, tham dự hội chợ triển lãm tại các thị trường trong khu vực; tổ chức các hội thảo gặp gỡ, giao thương trực tiếp với các đối tác ở thị trường UAE, Ả rập Xê-út, Cô-oét, Nam Phi, Ai Cập; phối hợp với các cơ quan, đối tác liên quan ở khu vực vận động, tổ chức cho các đoàn doanh nghiệp của nước ngoài vào Việt Nam tham dự hội chợ triển lãm và tìm hiểu thị trường; tham dự hội thảo giao thương, tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp của các nước trong khu vực này…
* Ông cho biết làm thế nào để các doanh nghiệp nhận biết và tránh những rủi ro có thể gặp phải khi tham gia vào thị trường này?
- Đối với bất kỳ thị trường nào thì bên cạnh những cơ hội vẫn luôn tiềm ẩn những rủi ro có thể gặp phải, đặc biệt là những thị trường mới, còn thiếu nhiều thông tin như thị trường châu Phi, Trung Đông. Do vậy, khi làm ăn, giao dịch, các doanh nghiệp phải theo dõi những thông tin chính thống của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Trong trường hợp doanh nghiệp tiếp xúc, giao dịch với đối tác thông qua các trang mạng, các doanh nghiệp cũng cần phải liên hệ với các cơ quan quản lý Nhà nước để có những thông tin xác minh kịp thời.
* Xin cảm ơn ông!
Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và châu Phi 9 tháng năm 2012 đạt 2,75 tỉ USD. Hàng hóa Việt Nam đã xuất khẩu sang 49 trên tổng số 55 nước châu Phi. 10 thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là Nam Phi, Ai Cập, Bờ Biển Ngà, Ghana, Algeria, Nigeria, Angola, Senegal, Mozambique và Moroco, chiếm tới 79% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi. Các mặt hàng xuất khẩu chính sang thị trường khu vực này là gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc thiết bị, sản phẩm dệt may và giày dép.
NGÔ XUÂN (thực hiện)