Bảo vệ, khai thác hợp lý và phát triển nguồn lợi tôm hùm giống trong tự nhiên có ý nghĩa rất quan trọng và cấp thiết. Về lâu dài, Phú Yên cần xây dựng mô hình bảo vệ và khai thác hợp lý tôm hùm giống, có sự tham gia quản lý của cộng đồng tại các địa phương ven biển.
Tôm hùm giống được ngư dân xã An Chấn bắt ở khu vực Hòn Chùa - Ảnh: A.NGỌC
TÔM HÙM GIỐNG NGÀY CÀNG ÍT
Phú Yên hiện có 54 xã, phường tiếp giáp biển, với lợi thế để nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản phát triển. Nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên phát triển mạnh, kéo theo đó là việc khai thác tôm hùm giống ra đời, chủ yếu bằng phương pháp lặn bắt, đặt bẫy, lưới mành. Do nhu cầu con giống ngày càng tăng nên dẫn đến việc khai thác tôm hùm giống quá mức. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Khánh Hòa), nhiều khu vực biển ven bờ ở Phú Yên có tôm hùm giống, tập trung nhiều nhất tại các xã Xuân Hải, Xuân Hòa, Xuân Cảnh, Xuân Thịnh, Xuân Phương (TX Sông Cầu), An Hòa, An Hải, An Chấn (Tuy An), Hòa Xuân Nam (Đông Hòa), với sản lượng từ 1,5 đến 2 triệu con tôm hùm giống/năm. Tổng diện tích mặt nước mà tôm hùm giống phân bố khoảng 53km2, trong đó tập trung chủ yếu ở TX Sông Cầu và huyện Tuy An, như vùng biển các xã: Xuân Hải gần 8km2, Xuân Hòa khoảng 3,5km2, Xuân Thịnh gần 9km2, vịnh Xuân Đài gần 16km2 và vùng biển xã An Chấn (Tuy An) khoảng 5km2…
Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phòng Kinh tế TX Sông Cầu cho biết: Nghề nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu xuất hiện cách đây khoảng 20 năm, ban đầu người ta lặn bắt, đặt bẫy, sau đó khai thác bằng lưới mành tôm. Hiện có nhiều người tham gia khai thác, trong khi lượng tôm hùm giống trong tự nhiên ngày càng ít, không đủ cung cấp cho người nuôi nên phải mua từ các tỉnh khác. Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm, thời gian tới tỉnh cần có giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi tôm hùm giống trong tự nhiên. Đây là vấn đề rất quan trọng và cấp thiết.
Khu vực bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống có sự tham gia quản lý của cộng đồng tại Hòn Chùa (Tuy An) - Ảnh: A.NGỌC
CẦN BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Trước thực trạng tôm hùm giống ngày càng ít, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã khảo sát tại vùng biển Xuân Đài (TX Sông Cầu) và An Chấn (Tuy An) để triển khai đề tài Bảo vệ, khai thác hợp lý và phát triển nguồn lợi tôm hùm giống. Thời gian thực hiện từ tháng 8/2010 đến tháng 8/2012. Mục tiêu của đề tài là đánh giá hiện trạng nguồn lợi tôm hùm giống tại hai vùng biển nói trên và một số vùng biển khác trong tỉnh; xây dựng các giải pháp bảo vệ, khai thác hợp lý. Về lâu dài, xây dựng mô hình bảo vệ và khai thác hợp lý tôm hùm giống có sự tham gia quản lý của cộng đồng. Tại huyện Tuy An, đề tài đã xây dựng mô hình bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống có sự tham gia quản lý của cộng đồng tại khu vực Mũi Lố Nhái thuộc Hòn Chùa, xã An Chấn trên khoảng 6ha mặt nước. Sau 2 năm triển khai, mặc dù công tác đánh giá phục hồi chưa chính xác, nhưng lượng tôm hùm giống ngư dân khai thác được tăng khoảng 1,5 lần so với trước đây. Một số loài san hô và rong biển phát triển tốt hơn, độ phủ của san hô mềm tăng 6%, cỏ biển tăng 10%. Các ngư dân tham gia khai thác tôm hùm giống được hưởng lợi từ dự án, được khai thác tôm giống ở phía ngoài khu quy hoạch bảo vệ, đồng thời nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, khai thác hợp lý và phát triển nguồn lợi tôm hùm giống trong tự nhiên cũng được nâng lên.
Ông Đào Tứ Xuyên, Giám đốc Sở KH-CN Phú Yên, cho biết: “Sau 2 năm triển khai đề tài Bảo vệ, khai thác hợp lý và phát triển nguồn lợi tôm hùm giống tại TX Sông Cầu và huyện Tuy An, nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống ở khu vực triển khai đề tài được nâng lên. Nguồn lợi tôm hùm giống và san hô, cỏ biển cũng được phục hồi. Tuy nhiên, sau khi đề tài này kết thúc nếu không bàn giao lại cho địa phương quản lý và tiếp tục triển khai thì nguồn lợi tôm hùm giống trong tự nhiên trên địa bàn tỉnh cũng sẽ cạn kiệt. Sở KH-CN Phú Yên khuyến khích các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu tìm ra giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi tôm hùm giống một cách bền vững, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh cho phép tiếp tục triển khai đề tài này”.
Theo tiến sĩ Thái Ngọc Chiến, Trưởng phòng Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản nội địa và ven bờ (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III), không nên khai thác tôm bố mẹ vào mùa sinh sản, hạn chế khai thác tôm hùm giống quá nhỏ (tôm trắng), kích thước khai thác phải đạt 3-4cm chiều dài, để tăng tỉ lệ sống và chất lượng khi nuôi. Nên phân vùng để khai thác tôm giống theo luân phiên, hạn chế khai thác tôm giống ở các vùng tôm phân bổ tập trung. Nghiêm cấm khai thác bằng bẫy vì ảnh hưởng đến nguồn lợi; không khuyến khích nghề lặn phát triển vì nguy hiểm đến tính mạng và ảnh hưởng đến sức khỏe người làm nghề này; hạn chế việc sử dụng đèn để dẫn dụ tôm giống, giảm số lượng thuyền khai thác bằng lưới mành… Chính quyền địa phương cần giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khai thác có chọn lọc và trách nhiệm nhằm giúp người dân nắm vững các quy định của pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ chuyển đổi hoạt động từ khai thác tự do như lâu nay sang khai thác có tổ chức để quản lý chặt chẽ về phương thức, ngư cụ dùng để khai thác. Cần đầu tư nuôi cấy san hô tạo những rạn sinh cảnh nhằm thu hút tôm, cá đến trú ngụ và sinh sản.
ANH NGỌC