Đa dạng mẫu mã, màu sắc bắt mắt, giá rẻ nên các loại áo ngực Trung Quốc được một số người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện các loại áo ngực Trung Quốc được bày bán công khai ở các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh mặc dù hầu hết đó là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, tạm giữ số áo ngực Trung Quốc không có hóa đơn chứng từ và nhãn phụ theo quy định tại một cửa hàng thời trang ở TP Tuy Hòa - Ảnh: T.HƯƠNG
PHÙ HỢP THỊ HIẾU NGƯỜI TIÊU DÙNG
Dạo qua các quầy hàng bán áo ngực tại chợ Tuy Hòa hay các cửa hàng kinh doanh sản phẩm áo ngực trên đường phố ở TP Tuy Hòa, người tiêu dùng không khó để nhận ra hầu hết các loại áo ngực đều mang nhãn hiệu Trung Quốc. Chị Linh, chủ một quầy hàng bán sản phẩm may mặc sẵn ở lều A chợ Tuy Hòa cho biết: “Hơn 90% áo ngực quầy hàng tôi bán đều là hàng Tàu, còn lại do Việt Nam sản xuất với các nhãn hiệu Liêu Thanh, Anh Khoa, Hòa Mỹ. Các sản phẩm này chỉ dành cho khách hàng thuộc lứa tuổi trung niên trở lên vì mẫu mã không đẹp, không thời trang… Hầu hết các loại áo ngực có xuất xứ từ Trung Quốc rất bắt mắt với đủ kiểu dáng, màu sắc, kích cỡ”. Theo chị Linh, quầy hàng của chị có hơn 500 sản phẩm áo ngực, với hơn 100 mẫu mã, màu sắc, kích cỡ khác nhau có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Chị Nguyễn Thị Hạnh, một khách hàng cho biết: Lâu nay tôi vẫn dùng các loại áo ngực Trung Quốc vì kiểu dáng trẻ trung, không khác gì so với các loại hàng có thương hiệu, lại được bán ở khắp nơi nên rất dễ mua.
Ngoài những lý do trên, áo ngực Trung Quốc có giá rẻ, hợp túi tiền người tiêu dùng nên được nhiều người lựa chọn. Hiện trên thị trường, áo ngực Trung Quốc có giá thấp khoảng 30.000 đồng và đắt nhất chỉ 60.000 đồng, đó là mức giá khá “mềm” đối với đại đa số người tiêu dùng hiện nay. Chị Trần Thị Thanh ở phường 5 (TP Tuy Hòa) cho hay: Người lao động như tôi thì chỉ mua áo ngực Trung Quốc thôi chứ các thương hiệu khác thì không thể vì các sản phẩm áo ngực của Thái Lan hay Hàn Quốc lại có giá cao hơn từ 5-10 lần.
CHỦ YẾU LÀ HÀNG TRÔI NỔI
Hầu hết các loại áo ngực đang bày bán trên thị trường hiện nay đều có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng lại không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định đối với hàng nhập khẩu và đều không có hóa đơn chứng từ. Theo bà Nhung, chủ một cửa hàng thời trang ở phường 1 cho hay: Áo ngực Trung Quốc ở cửa hàng tôi được mua về từ các chợ Tân Bình, Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh)… mỗi nơi một ít, rồi mang về bán theo kiểu “mua 9 bán 10” để kiếm lời chứ không có hóa đơn. Không riêng bà Nhung mà hầu như tất cả chủ hàng đều trả lời như vậy khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ và hóa đơn nhập hàng các sản phẩm áo ngực có nhãn hiệu Trung Quốc. Theo các tiểu thương, họ đều là những người mua bán lẻ, không thể trực tiếp nhập hàng từ nước ngoài hay ký hợp đồng mua bán với các công ty sản xuất, nhà nhập khẩu, mà phải mua lại sản phẩm từ các chủ hàng lớn. Còn bà N.T.T.N, một người chuyên phân phối sản phẩm áo ngực Trung Quốc cho các tiểu thương ở chợ Tuy Hòa thì cho hay: Tôi mua gom tất cả sản phẩm từ nhiều tiểu thương ở các chợ lớn tại TP Hồ Chí Minh. Lâu nay chúng tôi vẫn mua bán theo kiểu “tiền trao, cháo múc” chứ không viết hóa đơn hay giấy mua bán hàng. Vì vậy hầu hết các tiểu thương đều không biết tìm đâu ra hóa đơn mua hàng cho các sản phẩm của mình, và nghiễm nhiên chúng trở thành hàng trôi nổi như hiện nay.
Ông Lê Trung An, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 TP Tuy Hòa cho biết: “Theo quy định của pháp luật, các loại hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài khi nhập về Việt Nam phải được gắn nhãn phụ bằng tiếng Việt của doanh nghiệp nhập khẩu và đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đó. Vì vậy các sản phẩm áo ngực có nhãn Trung Quốc nhưng không có nhãn phụ và hóa đơn chứng từ đang bày bán trên thị trường hiện nay đều là hàng trôi nổi, chưa được kiểm định chất lượng. Theo quy định của pháp luật, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ sẽ bị tịch thu, còn hàng nhập khẩu nếu không có nhãn phụ thì người bán sẽ phải nộp phạt hành chính”.
TUYẾT HƯƠNG