Theo quy định, khi doanh nghiệp thua lỗ, không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn thì chủ đơn vị có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp Phú Yên chưa thể thực hiện điều này vì vướng các quy định của pháp luật.
Trụ sở Công ty Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Phú Yên tại 295 Trần Hưng Đạo được cho thuê để bán xe máy - Ảnh: V.AN
VƯỚNG MẮC THỦ TỤC PHÁ SẢN
Ông Phạm Hào, Phó chánh tòa Kinh tế Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh cho biết: Đơn vị vẫn đang thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty Lương thực Phú Yên, Công ty Du lịch Phú Yên, Công ty Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu... vì gần 7 năm qua, việc tuyên bố các doanh nghiệp này bị phá sản vẫn chưa thể thực hiện được. Nguyên nhân chính là do những vướng mắc trong quy định về thu hồi nợ và tuyên bố phá sản.
Theo Luật Phá sản năm 2004, Thẩm phán được quyền ban hành quyết định thu hồi nợ và Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản (chấp hành viên của cơ quan thi hành án cùng cấp) có trách nhiệm thi hành quyết định này. Trong khi đó, Luật Thi hành án dân sự lại quy định, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định thi hành án đối với các quyết định về phá sản của Thẩm phán. Như vậy, Chấp hành viên - Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản tiến hành thu hồi nợ nhưng không có chế tài buộc người mắc nợ phải trả, cũng không thể ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án vì trái Luật Thi hành án dân sự. Về vấn đề tuyên bố phá sản, Luật Phá sản quy định doanh nghiệp phải thu hết nợ, xử lý hết tài sản thì mới được đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản; lúc này, doanh nghiệp mới chính thức phá sản. Thế nhưng, khi doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng phá sản, cả con nợ và chủ nợ đều rất nhiều. Việc xác định nợ đã khó, việc thu hồi nợ còn khó hơn, nếu doanh nghiệp còn nợ chưa thu hồi, tòa không thể tuyên bố doanh nghiệp phá sản.
Theo ông Phạm Hào, chính những mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định của luật khiến doanh nghiệp muốn tuyên bố phá sản gặp khó khăn. Hiện tòa án đã xác định đầy đủ nợ phải thu, nợ phải trả của các doanh nghiệp đang lập thủ tục phá sản nhưng không thể thu hồi nợ. Đơn vị cũng nhiều lần lập thủ tục bán đấu giá tài sản của Công ty Du lịch Phú Yên, Công ty Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu nhưng không thành. Riêng các cơ sở nhà, đất của Công ty Lương thực Phú Yên cơ bản đã xử lý xong nhưng vì còn một số món nợ chưa thu được nên vẫn chưa thể tuyên bố doanh nghiệp này bị phá sản.
CẦN SỬA ĐỔI
Nhiều chuyên gia công tác trong các cơ quan pháp luật cho rằng Luật Phá sản năm 2004 có nhiều điểm tiến bộ nhưng cũng có những bất cập so với Luật Phá sản năm 1993. Nếu như trong luật năm 1993, Thẩm phán có quyền tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản sau khi xác định nợ phải thu, phải trả, cân đối tài sản, tỉ lệ phần trăm thụ lĩnh của mỗi chủ nợ, phương án phân chia tài sản thì luật năm 2004 quy định doanh nghiệp chính thức phá sản khi đã thu hết nợ. Vấn đề về phí và tạm ứng phí phá sản cũng bất cập và lạc hậu. Phó chánh tòa Kinh tế TAND tỉnh Phạm Hào cho biết: Thời điểm Công ty Du lịch Phú Yên nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, đơn vị này, không có tiền nộp phí phá sản.
Một số quy định khó hiểu khác của Luật Phá sản năm 2004 cũng khiến tòa án “đau đầu”. Theo quy định pháp luật, doanh nghiệp không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì lâm vào tình trạng phá sản. Nghị định hướng dẫn thi hành luật thì quy định các khoản nợ đến hạn là các khoản nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần được các bên xác nhận, có đầy đủ giấy tờ, tài liệu để chứng minh và không có tranh chấp. Cụ thể như trường hợp Công ty cổ phần Phương Nam bị ngân hàng khởi kiện do không thanh toán nợ đến hạn; trong khi TAND TP Tuy Hòa đang thụ lý vụ án thì các cổ đông của doanh nghiệp này nộp đơn xin mở thủ tục phá sản. Như vậy, theo quy định, tòa án phải trả lại đơn cho các cổ đông vì số nợ còn đang tranh chấp, chưa xác định rõ ràng.
Cũng theo ông Phạm Hào, hiện có hai cách để doanh nghiệp có thể chấm dứt hoạt động đăng ký giải thể hoặc tuyên bố phá sản. Khi giải thể, doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ thuế nên hầu hết các đơn vị sản xuất, kinh doanh khi thua lỗ đều “âm thầm” giải tán, không thông báo cho Sở KH-ĐT cũng như cơ quan Thuế. Doanh nghiệp nào nộp đơn ra tòa để tuyên bố phá sản thì không cần thanh toán các khoản nợ nếu chứng minh được trước tòa họ không còn khả năng chi trả. Tuy nhiên vì thủ tục phá sản theo quy định hiện hành còn có những điều bất cập nên các doanh nghiệp cũng không muốn chọn cách này. “Phá sản là phương thức tốt nhất để giải quyết nợ nần và bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp. Quốc hội cần sớm xem xét, sửa đổi Luật Phá sản 2004 theo hướng đơn giản hóa quy trình, minh bạch, rõ ràng trong các quy định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cả doanh nghiệp và cơ quan tố tụng; đồng thời tăng cường tuyên truyền để thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về việc phá sản”, ông Hào nói.
LÊ HẢO