Bộ NN-PTNN cho biết, từ năm 2006 đến nay, cả nước đã có 160 dự án thuộc 29 tỉnh, thành thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây dựng thủy điện với gần 20.000 ha, trong đó có tới trên 7.500 ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.
Tây Nguyên là khu vực lấy rừng làm thủy điện nhiều nhất, với trên 8.000 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có 8/29 tỉnh, thành thực hiện trồng lại rừng sau khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang làm thủy điện với 735 ha, tương đương 3,7% diện tích rừng đã chuyển đổi.
Theo Bộ NN-PTNN, hầu hết các thủy điện được xây dựng ở vùng núi cao, khu vực đầu nguồn có rừng tự nhiên, việc lấy đất rừng làm thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, gây ra tình trạng lũ lụt, sạt lở đất đá, ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
Theo TNO