Thứ Hai, 07/10/2024 12:17 CH
Hạn chế cầu thủ ngoại tại V-League:
Có lợi ở nhiều góc độ
Thứ Năm, 01/11/2012 07:46 SA

Không thể phủ nhận sự xuất hiện của những cầu thủ ngoại góp phần mang lại sự hấp dẫn của V-League. Tuy nhiên, những điểm tiêu cực mà họ mang lại là những làn “gió độc” đối với bóng đá Việt Nam.

 

hanche121101.jpg

Nhiều khả năng mùa bóng 2013, ban tổ chức sẽ hạn chế ngoại binh tại V-League

BÀI HỌC VẪN CÒN NGUYÊN

 

Mới đây, Tổng cục TDTT đã gửi tới Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Công văn số 1347/TCTDTT-VP yêu cầu “sửa đổi, bổ sung Quy chế bóng đá chuyên nghiệp áp dụng tại mùa giải 2013”. Một trong những nội dung đáng chú ý là việc giảm số lượng cầu thủ ngoại thi đấu tại các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam để tạo điều kiện cho các cầu thủ nội có nhiều cơ hội thi đấu, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn của đội tuyển quốc gia trên đấu trường quốc tế.

 

Khách quan mà nói, sân chơi V-League được lợi rất nhiều từ sự xuất hiện của các cầu thủ ngoại. Sự cạnh tranh khốc liệt giữa cầu thủ nội và cầu thủ ngoại góp phần nâng cao chất lượng của giải đấu. Chưa kể sự xuất hiện của những tên tuổi bóng đá lớn như nhà cựu vô địch World Cup Denilson (2009) hay Lee Nguyễn (cựu tuyển thủ đội tuyển Mỹ) đã giúp dư luận quốc tế biết nhiều đến bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, mặt trái của nó vẫn để lại nhiều dư vị cho nền bóng đá tại đất nước hình chữ S. Về nội lực, có thể khẳng định từ khi xuất hiện của những cầu thủ ngoại, hầu hết các CLB hàng đầu V-League đều chú trọng đến việc làm thế nào để có thành tích, chính vì điều đó khiến những HLV đều ưu tiên chọn hàng ngoại, mà thiếu sự quan tâm đến việc xây dựng các tuyến trẻ của CLB. Những mầm non của bóng đá Việt Nam thường xuyên làm quen với ghế dự bị và thiếu sự cọ xát để nâng cao chuyên môn. Đây là điều mà người hâm mộ bóng đá Việt Nam nào cũng có thể cảm nhận, đặc biệt là sau thất bại của đội U23 Việt Nam tại SEA Games 26.

 

Về mặt hình ảnh, sự xuất hiện của những cầu thủ ngoại tại các sân cỏ Việt Nam cũng mang đến những làn “gió độc”. Những tệ nạn mại dâm hay ma túy cũng theo đó cũng thường xuyên xuất hiện tại các CLB. Điển hình nhất là trường hợp tiền đạo của B.Bình Dương Molina bị chết do sử dụng ma túy quá liều vào năm 2010 khiến dư luận không khỏi hoang mang. Và đó là những lý do chính đáng để những nhà làm bóng đá Việt Nam cần phải chọn lọc và hạn chế sử dụng ngoại binh, góp phần vào sự phát triển chung của bóng đá Việt Nam.

 

THAY ĐỔI TRIỆT ĐỂ

Cách đây không lâu, nhiều người đã đặt câu hỏi vì sao bóng đá Malaysia đạt được thành quả như ngày hôm nay (vô địch AFF Cup; SEA Games 26). Câu trả lời đó là thành quả của những cải cách triệt để. Một trong những vấn đề mà những nhà làm bóng đá Malaysia quan tâm là việc hạn chế sử dụng ngoại binh và tạo điều kiện để các cầu thủ trẻ có dịp được thi đấu thường xuyên. Nếu bóng đá Việt Nam áp dụng điều đó vào thời điểm hiện tại chỉ mang lại những điểm tích cực. Thứ nhất, với tình hình kinh tế ảm đạm như hiện nay của các CLB bóng đá Việt Nam, sẽ là rất hiếm CLB nào dám chi mạnh tay để tuyển về những cầu thủ ngoại. Theo thống kê báo cáo từ 28 đội tham dự V-League và hạng nhất những năm gần đây, số tiền các CLB phải bỏ ra để nuôi ngoại binh chiếm khoảng 1/3 ngân sách của toàn đội trong một mùa giải. Vậy nên phương án dần dần hạn chế ngoại binh đang nhận được nhiều sự tán thành từ những người làm bóng đá nước nhà.

Lấy cụ thể từ trường hợp của CLB SHB Đà Nẵng, theo HLV Lê Huỳnh Đức, sau khi chia tay tiền đạo chủ lực Merlo, bóng đá Đà Nẵng vẫn chưa có chủ trương tìm người thay thế. Ai cũng hiểu sau khi bầu Hiển quyết định thoái vốn và chỉ đóng vai trò là người tài trợ, SHB buộc phải có những phương án cụ thể chứ không thể phóng tay quá trán như những mùa giải trước.

Một điểm lưu ý nữa khi hạn chế ngoại binh, đó là việc các cầu thủ trẻ của bóng đá Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội ra sân ở mùa giải 2013. Bóng đá Việt Nam đã trải qua một hành trình phát triển theo kiểu mì ăn liền và khi “bong bóng của sự ảo vọng” đã vỡ, nhiều người mới ngộ ra rằng việc phát triển bóng đá trẻ mang lại nhiều lợi ích cốt lõi. Những mô hình của Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai, B.Bình Dương, SHB Đà Nẵng hay Khatoco Khánh Hòa đang cho thấy tính đúng đắn và cách nhìn xa trông rộng của ban lãnh đạo đội bóng. Và đây đều là những đội bóng được phái đoàn Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đánh giá cao về công tác đào tạo trẻ trong một cuộc khảo sát vào tháng 10.

Theo kế hoạch, ngày 3/11, VFF và VPF sẽ tổ chức hội thảo với 28 CLB cùng đại diện một số ban ngành liên quan. Ngoài việc tìm giải pháp giúp các CLB vượt qua giai đoạn khó khăn, sửa đổi và bổ sung Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2013, lộ trình giảm cầu thủ ngoại cũng là một nội dung trọng tâm.

NGÔ NHẬT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek