Nằm giữa hai bờ sông Chùa và sông Đà Rằng, Ngọc Lãng (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa) như một “viên ngọc trước bình minh”. Bên kia tả ngạn sông Chùa là phố phường nhộn nhịp, phía hữu ngạn “doi đất” Ngọc Lãng là một làng quê yên bình, dịu mát với cánh đồng rau mướt xanh, vườn hoa lung linh khoe sắc vào mỗi dịp xuân về.
Du khách nước ngoài trải nghiệm thu hoạch rau cùng nông dân làng rau Ngọc Lãng - Ảnh: T.LÊ
DU LỊCH NHÀ VƯỜN
Mấy người bạn làm báo ở xa đến Phú Yên, khi đi thăm làng hoa Ngọc Lãng đã không khỏi xuýt xoa về vẻ đẹp lãng mạn, thanh bình của một làng quê bên cạnh trung tâm thành phố. Có người ví “doi đất” Ngọc Lãng như “viên ngọc trước bình minh”, cũng có người ví như đứa con nằm ngủ yên bình giữa đôi vòng tay mẹ là hai dòng sông Chùa và hạ nguồn sông Ba. Sông âm thầm bồi đắp phù sa màu mỡ. Doi đất trở thành vựa rau lớn nhất tỉnh Phú Yên.
Vào những ngày giáp tết, xen lẫn những luống rau xanh là hoa lay ơn, hoa cúc, hoa vạn thọ, mào gà... Lúc này, Ngọc Lãng như một tấm thảm xanh mượt mà được dệt thêm nhiều màu sắc. Hết rau rồi tới hoa, hoặc xen lẫn vào nhau, cứ thế quanh năm, Ngọc Lãng như một bức tranh rực rỡ sắc màu. Còn người nông dân nơi đây quanh năm trên ruộng vườn không khi nào ngơi nghỉ. Anh Nguyễn Văn Thái, một hướng dẫn viên du lịch nhìn nhận: “Ngọc Lãng nếu được đầu tư phát triển du lịch nhà vườn thì rất tuyệt vời. Tôi đã từng đưa khách du lịch đến nhiều nơi du lịch nhà vườn nhưng không đâu đẹp và đắc địa như nơi đây. Ngay cả làng rau Trà Quế nổi tiếng ở Quảng Nam bây giờ cũng không còn nét đặc trưng, vì đã hình thành một khu chuyên canh rau chứ không còn làng”. Anh Lê Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Lữ hành TuyHoa Tourist cho biết: “Nét độc đáo của làng rau Ngọc Lãng là vườn trong nhà, nhà giữa vườn, còn khu ruộng rộng lớn thì hướng ra hạ lưu sông Đà Rằng rất thơ mộng. Tôi đang ấp ủ đầu tư dự án làng rau du lịch nơi đây”.
Bà Lý Thị Bích Nguyên, Chủ tịch UBND xã Bình Ngọc cho biết: “Lâu nay xã rất muốn phát triển sang hướng làng rau, làng hoa kết hợp với du lịch, nhưng du lịch ở Phú Yên chưa mạnh”.
VÙNG ĐẤT VĂN HÓA - LỊCH SỬ
Theo Tiến sĩ Sử học Đào Nhật Kim, làng Ngọc Lãng được tạo lập khá sớm ở Phú Yên. Trong dân gian, vùng đất này được gọi là Soi Bún (vì có nhiều cây bún), năm Gia Long thứ 15 (1816) được tổ chức thành đơn vị hành chính thôn với tên gọi Nguyệt Tiên Đông. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), Nguyệt Tiên Đông đổi tên là Nguyệt Lãng, duy trì mãi đến năm Đồng Khánh thứ 2 (1886) thì đổi là Ngọc Lãng cho đến ngày nay.
Cùng với việc cải tạo vùng đất soi bãi lập nên làng xóm trù mật, phát triển đời sống vật chất, cộng đồng cư dân nơi đây còn dựng đình, miếu để thờ tự, chú trọng đời sống tín ngưỡng tâm linh. Tương truyền, Đình Ngọc Lãng được dựng từ giữa thế kỷ XVIII. Qua nhiều biến cố lịch sử và thiên nhiên tàn phá, nhân dân vẫn xây dựng, trùng tu thờ cúng cho đến ngày nay. Mặt chính của đình quay về hướng đông nam, nhìn ra những ruộng rau xanh mát và xa hơn là dòng sông Đà Rằng và núi Đá Bia án ngự, tạo nên yếu tố minh đường thủy tụ. Trong nội điện có bệ thờ Thần, tả ban thờ Thổ công, hữu ban thờ Tiền hiền, Hậu hiền. Trên khám thờ có bài vị và tráp đựng đạo sắc của các vua nhà Nguyễn phong tặng cho làng cùng nghi trượng và hai đao gỗ. Hiện nay, Đình Ngọc Lãng còn thờ tự 6 sắc phong thần các vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định; 1 chiếu chỉ của vua Thiệu Trị; 3 bài vị thờ tiền hiền của làng và nhiều câu đối Hán - Nôm.
Làng Ngọc Lãng tổ chức cúng đình mỗi năm 2 lần. Mùa xuân cúng vào tiết Thanh minh tháng 3; mùa thu tổ chức giỗ Tiền hiền và tế thần vào tháng 9. Tiền hiền của làng theo lưu truyền trong nhân dân là Lê Văn Lưu, Lê Văn Xuyến, hiện ở đình Ngọc Lãng vẫn còn lưu giữ bài vị để thờ cúng. Cụ Hồ Hoanh, bậc cao niên trong làng, nói: “Đình Ngọc Lãng không chỉ là nơi thể hiện tín ngưỡng tâm linh và việc thờ phụng tiền nhân có công khai phá lập làng của nhân dân địa phương, mà còn là nơi bảo tồn nhiều di sản văn hóa Hán - Nôm có giá trị, phản ánh quá trình lập làng, việc trùng tu đình cùng đời sống tâm linh, ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp”.
Bí thư Đảng ủy xã Bình Ngọc, Hà Văn Lam cho biết: “Ngọc Lãng là vùng đất được hình thành từ lâu đời, những trầm tích văn hóa hiện có là vốn quý của tiền nhân cần được bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả. Ngoài sản phẩm làng nghề trồng rau, hoa ven sông, làng nghề truyền thống làm dày dép thì những di sản văn hóa nói trên là tư liệu quý để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh”.
TRẦN QUỚI