Thời gian gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông Ba đoạn qua thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng (Phú Hòa) diễn ra phức tạp, nhiều diện tích đất canh tác bị sông “ăn”, uy hiếp cuộc sống người dân. Trước thực trạng này, Ban quản lý Dự án thủy lợi và phòng chống thiên tai tỉnh trình UBND tỉnh phương án khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ sông và chuẩn bị triển khai thi công…
Kè Phú Lộc, xã Hòa Thắng (Phú Hòa) bị sạt lở nghiêm trọng, cần sớm đầu tư khắc phục - Ảnh: A.NGỌC
Do dòng chảy sông Ba thường xuyên thay đổi, gây sạt lở nhiều vị trí hai bên bờ sông. Năm 2000, kè Phú Lộc được xây dựng theo dạng kè áp mái bằng đá lát khan dài 850m. Đợt lũ năm 2009 đã làm thay đổi dòng chủ lưu của sông và hướng thẳng vào đoạn kè Phú Lộc gây sạt lở nghiêm trọng. Nhiều diện tích đất canh tác dọc bờ bị cuốn xuống sông, hầu hết đất, đá của kè Phú Lộc cũng bị sụp lún, cuộc sống của người dân ở khu vực này bị đe dọa. Qua khảo sát của Ban quản lý Dự án thủy lợi và phòng chống thiên tai tỉnh, hiện kè Phú Lộc bị sạt lở mái gần như hoàn toàn, trong đó xung yếu nhất khoảng 500m đoạn giữa kè và đang gây sạt lở hơn 2km phía hạ lưu, uy hiếp các giếng nước đang khai thác của Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Phú Yên, đất sản xuất và đường giao thông dân sinh dọc sông.
Theo Ban quản lý Dự án thủy lợi và phòng chống thiên tai tỉnh, đơn vị đã lập 2 phương án và trình UBND tỉnh phê duyệt với đầy đủ nội dung và quy mô dự kiến đầu tư công trình khắc phục khẩn cấp chống sạt lở bờ sông Ba tại đoạn kè Phú Lộc. Đối với phương án xây kè áp mái, sẽ xây kè với chiều dài 550m, chân kè được xây dựng bằng lăng thể đá hộc thả rời có bề rộng 1m, cao trình đỉnh hơn 5m, cao hơn mực nước thấp nhất trong mùa lũ tại thời điểm thi công là 0,5m; cao trình đỉnh kè xấp xỉ mặt đường, có bố trí rãnh tập trung nước và tràn thoát nước mặt từ đường dân sinh, khu dân cư chảy ra và được xây bằng đá. Dọc chân tuyến kè xây dựng 3 mố nhô như những mỏ hàn, mỗi mố nhô dài 10m. Đối với phương án xây kè bằng hệ thống mỏ hàn, sẽ xây dựng 3 mỏ hàn bằng đá hộc, mỗi mỏ hàn dài 80m, khoảng cách giữa hai mỏ hàn 230m.
Ông Ngô Thạch Phổ, Trưởng ban quản lý Dự án thủy lợi và phòng chống thiên tai tỉnh, cho biết: “Qua tính toán kỹ thuật, phương án xây kè áp mái có tổng kinh phí gần 14 tỉ đồng và phương án này có nhiều ưu điểm hơn phương án xây kè bằng hệ thống mỏ hàn. Ban quản lý sẽ triển khai thi công công trình này sau khi UBND tỉnh phê duyệt phương án. Tuy nhiên, việc thi công phải thực hiện ngay trong mùa mưa lũ nên gặp nhiều rủi ro, nhất là khi có lũ về trong lúc đang thi công. Hiện nay, đất bờ sông đang ngậm nhiều nước nên rất yếu, dễ sạt lở khi các thiết bị thi công cơ giới vận hành trên đỉnh kè, thiếu an toàn về con người và trang thiết bị. Về mỏ vật liệu, dự kiến sẽ thu gom đá hộc tại các bãi đá thuộc khu vực Đồng Din (Phú Hòa) nên ảnh hưởng trên diện rộng đất lâm nghiệp. Để có thể triển khai thi công công trình, rất cần sự phối hợp của các cấp chính quyền địa phương và các chủ sử dụng đất có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác đá để phục vụ công trình”.
Ông Lê Ngọc Tính, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, cho biết: “UBND huyện đã thống nhất với Ban quản lý Dự án thủy lợi và phòng chống thiên tai tỉnh kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ sông Ba tại thôn Phú Lộc để bảo vệ an toàn tài sản và tính mạng người dân. UBND huyện Phú Hòa sẽ giải quyết kịp thời các vướng mắc để mặt bằng thi công không bị trở ngại, đồng thời thống nhất các vị trí khai thác đá tại Phú Sen và đá thu gom tại khu vực Đồng Din”.
NGỌC CHUNG