Sông Hinh đang vào giữa vụ thu hoạch cà phê, năng suất ước đạt 10 tấn/ha, cao hơn 3 tấn so với năm trước. Tuy nhiên, do giá thu mua thấp, hiệu quả mang lại từ cây cà phê vẫn không hơn nhiều so với niên vụ trước.
Nông dân Sông Hinh thu hoạch cà phê niên vụ 2011-2012 - Ảnh: V.THÙY
Được sự đầu tư của Nhà nước, đường liên xã Ea Trol - Ea Bá đi qua phần đất do Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ea Bá (nơi có diện tích cà phê nhiều nhất huyện) đã được bê tông hóa thông suốt. Cầu Ea Mkeng, cửa ngõ vào vùng đất trồng cà phê của công ty cũng đã được xây dựng, chấm dứt cảnh cà phê bỏ thối vì ách tắc giao thông trong mỗi mùa mưa lũ. Mặc dù vậy niềm vui của người dân nơi đây vẫn không được trọn vẹn khi đã vào chính vụ mà giá cà phê vẫn kém xa so với cùng thời điểm năm trước. Chị Trần Thị Trúc Linh có 3ha cà phê nhận của công ty cho biết, gia đình chị đã đầu tư hơn 100 triệu đồng cho hai lần bón phân; hai lần phun thuốc trừ nấm hồng, rệp sáp; tưới nước chống hạn và cắt tỉa cành thừa… Nhờ vậy năng suất ước đạt hơn 12 tấn/ha, cao hơn 3 tấn/ha so với vụ trước, nhưng với giá cả trung bình 6.500 đồng/kg, trừ các chi phí, lợi nhuận thu về cũng chỉ được trên dưới 10 triệu đồng/ha.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hanh ở thị trấn Hai Riêng có hơn 1ha cà phê ở xã Ea Bar cho rằng, năm nay hạn kéo dài gần 3 tháng, thiếu nước tưới, cà phê táp lá, quả héo khiến năng suất tụt giảm, chỉ bằng 2/3 so với năm trước. Ông Hanh cho biết thêm, đến thời điểm này, ông đã thu hoạch được 4 tấn cà phê tươi, khi cộng sổ tính toán thì tiền công hái đã chiếm một nửa, nếu chi ly cả tiền đầu tư phân bón, công chăm sóc thì xem như hòa vốn. Theo ông Hanh, giá thu mua cà phê tươi năm nay không ổn định, thời điểm cao nhất là 7.200 đồng/kg, thấp nhất 4.800 đồng/kg quả tươi, tính ra không bằng người làm công bởi người trồng mong ngóng cả năm trời, hơn thế nữa, chi phí vận chuyển tăng cao vì xăng dầu liên tiếp tăng giá. “Hy vọng những ngày sắp tới giá cả tăng thêm chút đỉnh để còn có ít lời cải thiện đời sống gia đình và tái sản xuất cho vụ sau”- ông Hanh thổ lộ.
Những người trồng cà phê ở đây cho biết, giá thu mua tại Sông Hinh chênh lệch khá nhiều so các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai… Cà phê ở Sông Hinh đã thu hoạch là phải bán trong ngày, vì muốn phơi thì không có nắng, còn sấy khô thì chi phí lại quá cao. Ông Lê Phước Huệ, cán bộ Nông nghiệp xã Ea Bar cho biết, Ea Bar có diện tích cà phê hơn 1.000ha, kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy, năng suất cây cà phê ở đây phụ thuộc nhiều vào thời tiết, lúc hoa nở gặp mưa lạnh, dẫn đến thối hoa, rụng quả. Còn thời điểm thu hoạch lại vào đúng mùa mưa, nhiều khi mưa lớn thu hoạch không kịp, quả chín rụng xuống trôi theo nước lẫn vào đất cát. Người hái phải mặc hai ba lần áo mưa, trầm mình từ sáng đến tối để giành giật với trời. Chính vì vậy mà công hái cà phê luôn cao hơn nhiều so với những công việc khác.
Toàn huyện Sông Hinh có khoảng 1.700ha cà phê, chủ yếu là giống cà phê chè, được trồng tập trung tại các xã Ea Bar, Ea Trol, Ea Ly, Sông Hinh và thị trấn Hai Riêng. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Sông Hinh cho biết: Vụ này, năng suất trung bình ước đạt 9,5-10 tấn/ha, tăng 3,2 tấn/ha so với niên vụ trước. Vào thời điểm này năm ngoái, giá thu mua quả tươi 8.000 đồng/kg, sau đó tăng dần lên 9.000-10.000 đồng/kg vào chính vụ. Còn năm nay, mọi chi phí từ xăng dầu, phân bón, công lao động đều lên, nếu giá thu mua không cải thiện thì người trồng cà phê chỉ hòa vốn, hộ nào chăm sóc tốt, năng suất cao thì có lãi. Chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ phụ trách nông nghiệp các địa phương bám cơ sở, vận động nhân dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, thu hái kịp thời nhưng vẫn đảm bảo chất lượng quả hái chín đều, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm cà phê Sông Hinh.
VĂN THÙY