Giá đỗ là thực phẩm bổ, rẻ, từ lâu đã trở thành món ăn yêu thích của nhiều người. Tuy nhiên, từ khi có thông tin giá đỗ có ngâm hóa chất độc hại, sức tiêu thụ của mặt hàng này giảm mạnh, người làm giá gặp không ít khó khăn.
Người làm giá truyền thống vẫn bị ảnh hưởng bởi thông tin giá có sử dụng hóa chất độc hại - Ảnh: X.NGÔ
Bà Bùi Thị Thu Hoa bán giá đỗ ở chợ Tuy Hòa cho biết: “Gia đình tôi sản xuất giá đỗ hơn 20 năm nay. Vừa qua các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin giá có ủ hóa chất, khiến nhiều người tiêu dùng không mua loại thực phẩm này nữa, vì thế việc buôn bán của gia đình tôi bị ảnh hưởng không nhỏ”. Theo bà Hoa, lâu nay người làm giá đỗ thường làm theo hình thức thủ công, mỗi gia đình có một bí quyết riêng. Có người ủ giá bằng lá tre, rơm, tro hoặc cát… Cách làm phổ biến nhất là đậu xanh nhặt vỏ kỹ, làm sạch, ngâm nước vài giờ đồng hồ, sau đó cho vào thau có lót rơm, lá tre, tro hoặc cát; trên chặn một vật nặng cho giá không phát triển quá cao, dài; tưới nước thường xuyên và để khoảng 3-4 ngày là thu hoạch. Quy trình làm giá này được các gia đình truyền lại từ nhiều năm nay. Hiện ở TP Tuy Hòa có trên 10 hộ làm giá theo cách này.
Trung bình một ngày mỗi hộ làm giá đỗ có thể cung cấp ra thị trường từ 70 đến 100kg. Ngoài bán lẻ, các hộ còn bỏ sỉ cho các nhà hàng, quán ăn và các hàng rau. Nghề làm giá đỗ không cần nhiều vốn, chủ yếu là lấy công làm lời. Người làm nghề này có thể thu nhập từ 130.000-150.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên, từ khi có thông tin giá đỗ ủ bằng hóa chất, lượng giá tiêu thụ giảm gần một nửa, khiến cuộc sống của các gia đình làm nghề này khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hạnh, một người làm giá đỗ ở TP Tuy Hòa cho biết: Buôn bán khó khăn, tôi dự định bỏ nghề, nhưng nghĩ lại đây là nghề truyền thống của gia đình nên tiếp tục duy trì.
Theo những người có kinh nghiệm, để phân biệt cọng giá có ngâm hóa chất với cọng giá bình thường không khó. Giá có ngâm hóa chất thường ngắn, mập, không có rễ, đầu hạt đậu teo nhỏ, màu trắng tinh và rất nặng, khi ăn thường rất nhạt; trong khi cọng giá không ngâm hóa chất dài, thân ốm, có rễ, đầu hạt đậu tươi xanh, thân giá màu trắng ngà và ăn rất giòn, ngọt. Ngoài ra, cọng giá làm theo cách truyền thống nếu biết bảo quản có thể để được 3-4 ngày, trong khi đó cọng giá có ngâm hóa chất dễ bị úng, đen. Mặc dù đã nhận biết được giá sạch, giá bẩn, nhưng hiện nay nhiều người tiêu dùng đang có xu hướng tự làm giá ăn để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mới đây, ngành chức năng phát hiện tại TP Hồ Chí Minh, các cơ sở sản xuất giá đã sử dụng một hóa chất dạng bột màu trắng đựng trong bao 50kg có tên Soda ASH Light và loại dung dịch đựng trong ống nhựa nhỏ 20ml, cả hai toàn chữ Trung Quốc, không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Chỉ những người thực sự am hiểu tiếng Trung và có kiến thức về hóa học thì mới hiểu hết được nội dung trên bao bì của loại hóa chất này. Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), kết quả phân tích truy tìm 15 hoạt chất được xác định là có nguy cơ cao, đã phát hiện 2 hoạt chất, gồm: Benzylaminopurine thuộc nhóm Cytokinin và Gibberelin A28 với hàm lượng từ 1,19 đến 1,26%. Đây là các hoạt chất điều hòa sinh trưởng, có tác dụng hạn chế mọc rễ, kích thích nảy mầm. Ở Việt Nam, hoạt chất 3G có chứa Cytokinin đã được đưa vào danh mục cho phép sử dụng trong sản xuất giá đỗ. Tuy nhiên, 2 hoạt chất có nguồn gốc từ Trung Quốc nêu trên chưa được đăng ký, khảo nghiệm, đương nhiên chưa được phép sử dụng ở nước ta. Những người sử dụng các hoạt chất này để ủ giá đỗ là vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, sử dụng hóa chất trong sản xuất thực phẩm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Tình trạng dùng chất kích thích, hóa chất không rõ nguồn gốc để “kích” giá phát triển nhanh, mập và đẹp là điều các chuyên gia y tế rất lo ngại cho sức khỏe người sử dụng.
Trước thông tin giá đỗ có ngâm hóa chất, thực hiện ý kiến của Bộ NN-PTNT, ngày 7/9, UBND tỉnh có Công văn số 2648 chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở NN-PTNT tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm đối với giá đỗ, râu mầm, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Phú Yên; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh, buôn bán hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng trên rau ở Việt Nam.
XUÂN NGÔ