Gần đây, những vết rạn nứt ở các khối đá dưới chân núi Nhạn xuất hiện ngày càng nhiều. Người dân sống tại khu phố 1, phường 1, TP Tuy Hòa đang hết sức lo lắng cho sự an nguy của bản thân và gia đình.
Các hộ dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở núi Nhạn cần được di dời trước mùa mưa năm nay - Ảnh: V.AN
SỐNG TRONG LO LẮNG
Sáng 7/9, cả gia đình ông Phạm Hưng, có nhà ở chân núi Nhạn, phải vất vả dọn dẹp số đất đá vụn bị đổ đầy phía sau nhà. “Tối hôm trước, cả nhà bỗng nghe “ào ào”; sáng dậy, phía sau nhà đầy đất đá trụt từ trên núi xuống. Mấy ngày nay, trời thường hay mưa nên cảnh tượng này cứ diễn ra liên tục. Hôm nay đất trụt, ngày mai đá lở, chúng tôi luôn phải sống trong lo lắng”, ông Hưng than thở. Ông cho biết thêm: Cứ đến mùa mưa bão là cả nhà phải dọn đồ đạc ra phía trước, hai đứa con “cố thủ” trên tầng hai còn vợ chồng tôi sống ở dưới; bếp núc cũng chuyển ra phòng khách để nấu nướng. Cha tôi sinh cơ lập nghiệp trên đất này, tôi cũng sống ở đây từ nhỏ nên khu vực quanh núi Nhạn đối với chúng tôi có nhiều kỷ niệm. Thế nhưng, giờ đây, gia đình chỉ mong chuyển đến nơi an toàn.
Bà Đinh Thị Tú cũng có nhà dưới chân núi Nhạn cho biết: Mùa mưa đến, nhà ai đấu lưng vào núi Nhạn thì nhất định sẽ “dính” sạt lở. Năm 2010, đất đá sạt lớn bên đường Tản Đà, phía đường Lê Trung Kiên này cũng bị ảnh hưởng. Chúng tôi nhận được một ít tiền hỗ trợ sửa lại nhà và lời hứa sẽ được di dời trong thời gian sớm nhất. Nhưng gia đình chờ mãi vẫn không thấy gì trong khi mấy nhà hàng xóm đã chuyển đi hết rồi. “Nhà chúng tôi giờ ba, bốn thế hệ sống chung với nhau; người lớn nhất đã 87 tuổi, trẻ nhỏ nhất thì mới được 2 tháng tuổi. Nếu Nhà nước không sớm di dời, tính mạng mười mấy con người không biết đi về đâu trong mùa mưa bão này”, bà Tú than thở.
Không chỉ phập phồng lo lắng vì sợ đất đá sạt lở, bà Nguyễn Thị Đãi, một hộ dân khác ở đây còn có nhiều nỗi lo khác. “Mấy ngày nay, ngày nào tôi ra thăm chừng cũng thấy chân núi có những vết nứt mới. Mùa mưa sắp đến rồi, cây cối, đất đá cứ chực chờ đổ xuống lúc nào không hay nên chúng tôi chẳng dám ra sau hè vì sợ nguy hiểm. Ngày trời mưa, nước trên núi xối xuống ào ào như thác, chảy tràn đầy nhà nhưng vì đường cống trước nhà đã bị xe tải làm hư nên chẳng rút nước được. Nhà tôi có 6 người giờ chỉ trông vào tiền bán quán ăn sáng, đắp đổi qua ngày. Khi chuyển ra khu mới, chúng tôi không biết phải làm gì để sống” bà Đãi bày tỏ.
CHỜ ĐƯỢC DI DỜI
Ông Nguyễn Hùng, Phó chủ tịch UBND phường 1 cho biết: Tình trạng sạt lở đất đá ở khu vực núi Nhạn đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Vào năm 2007, mưa lũ lớn, nước trên núi chảy xuống kéo theo đất đá đổ tràn vào nhà dân. Trước tình hình đó, UBND phường 1 đã báo cáo cho UBND TP Tuy Hòa; đồng thời phối hợp khảo sát, lập phương án di dời 26 hộ bị ảnh hưởng nặng đến khu tái định cư trên địa bàn phường. Những năm sau, tuy không xảy ra sạt lở nặng nhưng phường vẫn tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện việc di dời người dân ra khu tái định cư phường 9. Gần đây, người dân phản ánh về việc chân núi xuất hiện vết nứt, phường đã phối hợp cùng các phòng ban chức năng của TP Tuy Hòa tiến hành khảo sát thực địa, để có phương án di dân đến nơi an toàn. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy có 29 hộ dân ở đường Lê Trung Kiên bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở nên đã lập phương án di dời trong năm nay. Tuy nhiên, vì kinh phí hạn chế nên chúng tôi phải phân loại, di dời các hộ dân này theo 3 giai đoạn, trước mắt là 16 hộ có nhà ở sát chân núi Nhạn. Theo ông Hùng, khi mùa mưa bão đến, 29 hộ dân sẽ bị ảnh hưởng bởi việc đất trụt, đá lở khiến người dân hoang mang, lo lắng. Vì vậy, phường đã tích cực thực hiện các thủ tục di dời. Ông Hùng cho biết thêm: Ngoài 29 hộ dân ở đường Lê Trung Kiên, 11 hộ dân khác ở khu vực sát núi Nhạn cũng có đơn xin được di dời. Tuy nhiên, trong năm 2012, TP Tuy Hòa chỉ ưu tiên cho các hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao hơn. Toàn bộ kinh phí di dời 29 hộ dân với số tiền 12,5 tỉ đồng, TP Tuy Hòa đang trình UBND tỉnh xin hỗ trợ.
VIỆT AN