Mô hình VietGAP (sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu) lần đầu tiên triển khai tại Phú Yên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này hứa hẹn khả năng thực hiện cánh đồng mẫu, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
Ruộng mô hình VietGAP của ông Đoàn Vĩnh Ái - Ảnh: M.DUYÊN |
Ruộng mô hình áp dụng tiêu chuẩn VietGAP giảm chi phí ở ba mặt: Giảm chi phí phân bón (72.000 đồng/ha); giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật (210.000 đồng/ha); giảm công lao động (quy ra tiền 400.000 đồng/ha). |
Ông Trương Văn Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, chủ nhiệm đề tài áp dụng VietGAP trong sản xuất lúa cho biết, việc áp dụng mô hình này vào canh tác là yếu tố chính quyết định đến năng suất lúa. Giống thuần chủng ML48 chọn thí điểm lần này cho năng suất cao là nhờ áp dụng quy trình bón phân, phun thuốc, gieo sạ theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Với mô hình VietGAP, nông dân chỉ sử dụng 6kg lúa giống/sào (500m2), trong khi ruộng đối chứng phải 10kg lúa giống/sào. Kết quả cho thấy cây lúa áp dụng VietGAP khả năng đẻ nhánh tốt hơn, lượng bông trên một đơn vị diện tích mặc dù ít hơn, nhưng số lượng hạt chắc lại nhiều hơn từ 15-20 hạt so với ruộng đối chứng.
Cũng theo ông Tuấn, mô hình VietGAP thay đổi hoàn toàn tập quán canh tác cũ, giúp nông dân có tác phong sản xuất nông nghiệp gắn với quy trình khoa học kỹ thuật. Nông dân không thể dùng cảm tính để chọn giống hay bón phân hoặc phun thuốc trừ sâu; mọi cách làm phải dựa trên sự ghi chép khoa học, tỉ mỉ, có lô gích, theo suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Mô hình này sử dụng giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng của từng cánh đồng; thực hiện sạ thưa sạ hàng, hạn chế tối đa sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tạo ra một sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn với môi trường nhưng vẫn đảm bảo năng suất lúa cũng như chất lượng hạt gạo.
36 hộ dân thuộc thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng được chọn triển khai mô hình VietGAP được tập huấn chuyển giao quy trình sản xuất lúa chất lượng cao gồm kỹ thuật sạ hàng, cách bón phân cân đối, biện pháp quản lý cỏ dại và sâu bệnh. Các hộ được chọn tham gia mô hình ghi chép đầy đủ theo hướng dẫn của các chuyên gia nông nghiệp. Hộ ông Nguyễn Văn Thất, một trong những hộ được chọn VietGAP bày tỏ: “Trước đây, tôi đi thăm đồng nhìn thấy cây lúa bị sâu bệnh là về lấy thuốc ra phun, còn nay đi thăm đồng tôi biết từng thời điểm sinh trưởng cây lúa, qua đó sẽ biết cần phun thuốc gì để cây lúa phòng trừ được sâu bệnh, vừa không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng gạo”.
MINH DUYÊN