Chủ Nhật, 06/10/2024 05:41 SA
Định hướng thực hiện nền Kinh tế Xanh ở Việt Nam
Thứ Năm, 16/08/2012 10:00 SA

Từ những cơ hội và thách thức như đã nói ở bài trước, Việt Nam cần có những định hướng cơ bản để thực hiện tốt nền “Kinh tế Xanh”.

Về cơ chế chính sách, trên cơ sở cương lĩnh định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp. Cơ chế chính sách cần tập trung vào tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là cơ cấu lại ngành nghề, ưu tiên phát triển các ngành có công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường; Sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên; Không gây ô nhiễm môi trường; Phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái.

- Về nhận thức, tập trung tuyên truyền, giáo dục định hướng thay đổi nhận thức trước đây của xã hội từ nền “Kinh tế Nâu” sang nền “Kinh tế Xanh” để tạo ra một sự đồng thuận cao trong xã hội từ lãnh đạo đến người dân và doanh nghiệp, từ đó thay đổi quan niệm và nhận thức về một nền “Kinh tế Xanh”. Trong hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, đổi mới giáo trình, bài giảng theo hướng tiếp cận phát triển nền “Kinh tế Xanh”. Nâng cấp nội dung “Kinh tế môi trường” và “Kinh tế tài nguyên thiên nhiên” truyền thống theo hướng giảng dạy “Kinh tế Xanh” .

- Đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ trong nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu các lĩnh vực ngành nghề trong nội hàm của nền “Kinh tế Xanh” như sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng, công nghệ giảm thiểu phát thải khí nhà kính; hạn chế tối đa gây ô nhiễm môi trường; Phục hồi hệ sinh thái tự nhiên.

- Đổi mới quy hoạch sử dụng đất cho phát triển đô thị, phát triển giao thông, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình phúc lợi xã hội theo hướng dành quỹ đất đủ cho phát triển cây xanh, hồ nước và các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường theo quy định tiêu chuẩn quốc tế.

 

- Cải cách lại hệ thống thuế tài nguyên và xem xét lại thuế môi trường hướng tới phát triển nền Kinh tế Xanh được điều chỉnh thông qua công cụ tài chính và thuế khóa nhằm khuyến khích tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên quý hiếm, bảo vệ môi trường.

 

- Đối với chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cần có sự đổi mới, xem xét lại và hoàn thiện chỉ tiêu GDP xanh, cải tiến hệ thống SNA phản ánh đủ các chỉ tiêu tính toán môi trường trong hạch toán cân đối tài khoản quốc gia.

 

- Rà soát, xem xét lại cơ chế chính sách đã có liên quan đến dịch vụ hệ sinh thái và đầu tư cho phát triển rừng thời gian vừa qua, gắn phát triển rừng với xóa đói giảm nghèo trên cơ sở phát huy hiệu quả thể chế “Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa”, những ưu thế của công cụ kinh tế liên quan đến chi trả dịch vụ môi trường rừng, bổ sung và hoàn thiện công cụ này triển khai trong cả nước.

 

- Dựa vào tiêu chí quốc tế như đã dự tính của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, đầu tư công toàn cầu 2% GDP cho phát triển Kinh tế Xanh, tổng kết thời gian vừa qua mức độ đầu tư cho môi trường ở Việt Nam còn thiếu hụt bao nhiêu để tiếp tục bổ sung và hoàn thiện phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

- Tích cực hợp tác quốc tế trong nỗ lực xây dựng nền “Kinh tế Xanh” ở Việt Nam, huy động các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế, nhất là nguồn vốn đầu tư 2% GDP toàn cầu cho phát triển Kinh tế Xanh. Các cơ chế tài chính khác cho phát triển rừng trước đây cho thấy Việt Nam thường bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư quốc tế cũng như các thể chế tài chính khác mà Việt Nam có ưu thế. Tất cả những điều này, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của Trung Quốc.

Chuyển đổi phương thức phát triển, hướng tới phát triển nền “Kinh tế Xanh” là hướng tiếp cận mới, tuy nhiên xét về dài hạn đây là hướng tiếp cận phù hợp với xu thế phát triển chung của hệ thống kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia phát triển sau, do vậy để rút ngắn khoảng cách phát triển và tiếp cận với một nền kinh tế hiện đại, văn minh và phát triển bền vững cần hướng tới một nền “Kinh tế Xanh”. Tuy nhiên mô hình phát triển và cơ cấu ngành nghề thế nào phù hợp với nền “Kinh tế Xanh” trong điều kiện phát triển của Việt Nam cần phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, học tập cách thức tiến hành của các quốc gia đã thực hiện trước để từ đó có lộ trình và bước đi phù hợp.

P.CÔNG - N.NAM (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek