Trước đây, vì thiếu nước tưới nên cứ vào vụ hè thu là cánh đồng ở thôn Hòa Sơn (xã Sơn Hà, Sơn Hòa) phải bỏ hoang. Từ năm 2006, nông dân khoan giếng bơm nước tưới, biến đất bỏ hoang thành đồng lúa.
Nông dân khoan giếng, kéo điện bơm nước tưới, dây điện giăng khắp ruộng đồng - Ảnh: H.NAM
ĐÁNH THỨC ĐẤT KHÔ CẰN
Thời điểm này, lúa trên cánh đồng Hòa Sơn đang trổ bông. Nhiều nông dân đi thăm đồng kiểm tra tình hình sâu bệnh và bơm nước tưới, thấy lúa xanh tốt ai cũng vui mừng. Ông Đỗ Vịnh Hữu Danh gieo trồng 4 sào (4.000m2) lúa, cho biết: “Cánh đồng này năm nào lúa cũng đạt năng suất 60 tạ/ha/vụ, vì thế nhà nào cũng có lúa dự trữ ăn quanh năm. Trước đây khi chưa chuyển đổi sản xuất 2 vụ lúa/năm, hầu như ai cũng thiếu lúa, phải chạy tiền mua gạo ăn, khổ lắm!”. Ruộng nhà ông Danh nằm ở khu vực cao, để có nước tưới lúa, ông bơm nước từ giếng khoan ở khu vực ruộng trũng và dùng ống nhựa đưa nước về. Ngay từ đầu vụ, ông “thiết kế” đường ống dài hơn 30m đi qua nhiều thửa ruộng lân cận. Ông Nguyễn Văn Hiếu, một nông dân có ruộng cạnh giếng, cho hay: “Tôi có 2 sào lúa ở vùng trũng. Giếng nước được đào cạnh bờ ruộng. Tôi cho những người có ruộng trên cao bắc ống đi qua, chứ ống dọc theo bờ ruộng uốn khúc quanh co, tắc nghẽn đường ống, máy bơm không thể đưa nước đến được”.
Cánh đồng Hòa Sơn rộng 32ha. Trong vụ đông xuân, hồ chứa nước Giếng Tiên tưới rộng khắp, tuy nhiên đến vụ hè thu nước hồ “đứt mạch”, chỉ đủ tưới 12ha, diện tích còn lại phải bỏ hoang. Từ khi chuyển đổi sản xuất 2 vụ lúa/năm, vụ nào lúa cũng xanh tốt mang lại thu nhập cho bà con nông dân.
Tiên phong biến đất hoang thành cánh đồng lúa là 3 nông dân “gộc”: Ngô Kim Long, Võ Hữu Luân và Nguyễn Văn Hiếu. Theo những nông dân này, thấy đất khô nứt trong vụ hè thu, uổng quá, 3 người có ruộng liền kề rủ nhau cày trồng lúa lấy nước trời. Tuy nhiên lượng mưa không đủ, thiếu nước, họ phải vét từ các đám ruộng khác để nước mưa chảy dồn về. Không đủ nước tưới suốt vụ, cả ba rủ nhau khoan giếng tại ruộng, bơm tưới cho cây lúa. Sau 2 vụ sản xuất thành công, ba nông dân đem hàng tấn lúa về nhà. Thấy vậy, dân trong xóm đổ xô ra đồng khoan giếng bơm tưới, chuyển đổi thành ruộng 2 vụ lúa/năm. “Hồi đó khoan một cái giếng từ 700.000 đến 1,2 triệu đồng, số tiền tuy cao nhưng bù lại có nước tưới lúa “ăn” nhiều năm nên ai cũng đầu tư”- ông Bảy Giỏi, một người trồng lúa ở cánh đồng Hòa Sơn nói. Hiện trên cánh đồng có khoảng 25 giếng, tưới cho 20ha. Nhờ các giếng nước, cánh đồng năm nào cũng có 2 vụ lúa được mùa.
DÂY ĐIỆN GIĂNG KHẮP RUỘNG
Để bơm tưới nước, nông dân phải kéo điện từ trong xóm ra đồng, vì thế dây điện giăng khắp ruộng. Hiện tại trên cánh đồng, cứ cách 50m có trụ điện bằng gỗ hoặc tre, có những trụ xiêu vẹo, có nguy cơ ngã xuống bất cứ lúc nào vì “cõng” nhiều dây điện. Ông Bùi Xuân Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hà, cho hay: “Bà con làm ruộng ở đây nhận thấy dây điện giăng rất nguy hiểm, tha thiết mong ngành Điện kéo đường dây điện và lắp đặt trụ xi măng để an toàn trong sản xuất lúa. Ngành Điện trả lời rằng không có kinh phí và hứa đưa vào dự toán đầu tư xây dựng các năm sau”.
Cây lúa đang giúp đời sống nông dân ở đây ngày một ổn định. Nhiều mô hình liên kết sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao ra đời đã giúp nông dân nâng cao giá trị cho cánh đồng của mình. Người dân ở đây đang chỉnh trang tường rào nhà cửa và cùng góp sức xây dựng thành công xã điểm nông thôn mới. Ngành Điện và các ngành chức năng huyện Sơn Hòa cần có quy hoạch, chú trọng đến việc xây dựng kết cấu hạ tầng phù hợp với điều kiện sản xuất, tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.
MẠNH HOÀI NAM