Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, vụ nuôi thứ hai năm 2012, ngư dân trong huyện đã thả nuôi hơn 480ha tôm thẻ và tôm sú.
Anh Bùi Văn Đủ ở thôn Tân An, xã An Hòa tháo máy móc tại hồ nuôi đem về nhà chờ mùa sau - Ảnh: P.NAM
Từ khoảng cuối tháng 7, trên địa bàn huyện có hơn 6ha tôm thẻ và tôm sú chết vì nhiễm bệnh và gần một tuần qua, tôm nuôi hơn một tháng tuổi trên địa bàn huyện chết hàng loạt nhưng chưa tìm ra nguyên nhân. Hiện nay đã có trên 193ha tôm nuôi bị chết, nhiều nhất là xã An Hòa với 40ha bị mất trắng, còn lại ở các xã An Ninh Tây, An Ninh Đông, An Cư…
Anh Bùi Văn Đủ, chủ 4 hồ nuôi tôm ở thôn Tân An, xã An Hòa cho biết: “Vụ này tôi thả nuôi trên diện tích 1,5ha, tôm được hơn một tháng tuổi thì bắt đầu chết và chỉ trong vòng ba ngày nổi đỏ đìa, vội thụ hoạch đem bán tháo cho thương lái, vớt vát được hơn 70 triệu đồng nhưng vẫn lỗ nặng”. Kề bên, hai hồ nuôi tôm có diện tích gần 1ha của anh Nguyễn Văn Thông cũng lâm vào cảnh tương tự. Một hồ, tôm chết gần hết, hồ còn lại, anh Thông phải chạy máy sục khí liên tục cả ngày lẫn đêm, hy vọng cứu vớt phần nào. Anh Thông cho biết, nếu không gặp sự cố thì khoảng hai tháng nữa là đến kỳ thu hoạch, hồ ít cũng cho lãi hơn trăm triệu đồng. Còn bây giờ coi như mất trắng…
Bà Phạm Thị Thùy Lê, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An cho rằng, điều đáng lo ngại là các loại bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, nhưng ngành chức năng chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh để có hướng xử lý. Tôm chết hàng loạt rất có thể là do bệnh viên gan tụy mà Sở NN-PTNT đã khuyến cáo. Tuy nhiên, hiện Cục Thú y tỉnh vẫn chưa có phác đồ điều trị bệnh này. UBND huyện cũng đã chỉ đạo các ngành liên quan và chính quyền các xã có diện tích tôm nuôi bị chết triển khai phun thuốc tiệt trùng, đồng thời khoang vùng khống chế dịch không để lây lan nhằm giảm thiệt hại cho người nuôi.
PHƯƠNG NAM