Trước đây tại lưu vực suối Đá Bàn, thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) là một cánh rừng có mật độ cây trắc sinh sống rất dày và trải rộng. Tuy nhiên, qua một thời gian dài rừng trắc này không được quan tâm nên người dân đã khai thác lấy gỗ và phát dọn để làm rẫy. Là một trong những loài cây có giá trị kinh tế cao, quý, hiếm, nguy cấp, được xếp loại IA trong Sách Đỏ thực vật Việt Nam nên cần có biện pháp khôi phục, bảo tồn và phát triển rừng trắc này…
Một bụi trắc có khoảng 30-35 năm tuổi ở thôn Cẩm Tú - Ảnh: A. NGỌC
“BÀN TAY TRẮC”
Vùng đồi núi thuộc lưu vực suối Đá Bàn có diện tích khoảng 1.500ha, đỉnh cao nhất là núi Hòn Gió cao 425m, còn lại có độ cao từ 100-350m. Trước đây, khu vực này là một cánh rừng có cây trắc sinh sống rất dày và trải rộng đến các xã An Thọ, An Lĩnh (Tuy An). Tuy nhiên, trong thời gian dài, người dân đã khai thác lấy gỗ và phát dọn, chặt bỏ để làm rẫy nên diện tích, trữ lượng, số lượng cây trắc bị suy giảm rất nhiều và đang bị cạn kiệt. Ông Nguyễn Ngọc Tiến ở thôn Cẩm Tú cho biết: “Gia đình tôi có 2,5ha đất rẫy ở khu vực Suối Tre thuộc thôn Cẩm Tú, trước đây cây trắc (chủ yếu trắc dây) mọc rất dày nên nhiều người tìm cây cảnh đã xin bứng đi những cây có dáng đẹp, gốc to còn lại những cây nhỏ thì gia đình phát dọn để trồng bạch đàn. Mới đây khoảng một tháng, đoàn khảo sát do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Phú Yên đến điều tra, tìm hiểu về loài cây này nên gia đình tôi cùng một số bà con ở đây bắt đầu bảo vệ và chăm sóc để những cây con còn sót lại tiếp tục phát triển. Trong rẫy của gia đình tôi có một gốc trắc dây có đường kính gần 40cm, nhưng gốc chính đã bị chặt từ lâu, hiện nay có khoảng 4-5 cây nhánh, mỗi cây có đường kính khoảng 10-15cm, cao khoảng 4m. Ngoài ra, còn có khoảng 1.200-1.500 cây trắc khác với nhiều kích cỡ khác nhau”.
Trắc dây còn gọi là trắc trung, trắc Việt, tràm bầu, dịp rừng… tên khoa học là Dalbergia Vietnamensis. Đặc điểm nhận biết là thân cây gỗ nhỏ, rụng lá theo mùa, thân có gai do cành biến thành, phân cành thấp, vỏ xám trắng dày 3-4mm, lá kép lông chim có cuống mảnh dài 5,2-6,3cm. Gỗ trắc dây có màu nâu thẫm khá đẹp, không bị mối mọt, rất có giá trị kinh tế trong làm đồ mỹ nghệ cao cấp. Là loài thực vật đặc hữu hẹp của Nam Trung Bộ, mới chỉ phát hiện ở các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Cây trắc dây là loài cây nằm trong Sách Đỏ thực vật Việt Nam, cấp E có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo tồn. |
Ông Trương Văn Phụng (58 tuổi) cũng ở thôn Cẩm Tú, cho biết: “Các khu rừng thuộc các khu vực Đá Sập, Suối Tre, Hòn Dung, Hòn Gió… thuộc thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến trước đây cây trắc rất nhiều, nơi nào có cây sơn trắng và các loại cây bụi rậm, cây lá nhỏ, cây có gai là có cây trắc xuất hiện. Theo lời kể của cha ông, khu vực rừng núi thuộc thôn Cẩm Tú trước đây có rất nhiều cây gỗ quý, trong đó nhiều nhất là cây trắc. Do số lượng cây trắc mọc khá dày, dày như năm ngón tay trên một bàn tay nên người dân ở đây đặt khu rừng này là “Bàn Tay Trắc”. Hiện tôi có diện tích đất rẫy khoảng 3ha ở khu Đá Sập, Suối Tre đang trồng bạch đàn và keo lá tràm nhưng số lượng trắc dây mọc xen kẽ rất nhiều. Nếu Nhà nước có chính sách bảo tồn và phát triển khu rừng trắc ở thôn Cẩm Tú thì người dân chúng tôi hưởng ứng…”.
CẦN BẢO TỒN
Ông Lê Văn Thứng, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Phú Yên cho biết, cây trắc ở thôn Cẩm Tú có 2 loại gồm trắc dây và trắc cây là loài cây có giá trị kinh tế cao, quý, hiếm, nguy cấp được xếp loại IA trong Sách Đỏ thực vật Việt Nam. Qua khảo sát sơ bộ, tại lưu vực suối Đá Bàn, phát hiện nhiều cá thể cây trắc phân bố rải rác trên diện rộng, có đám số lượng cây trắc lên đến 100 cây, có cây có đường kính gốc gần 40cm. Hiện nay người dân trong vùng vẫn tiếp tục khai thác gỗ trắc, đào gốc làm cây cảnh và chặt bỏ để làm rẫy. Rừng trắc thuộc lưu vực suối Đá Bàn, thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) là một tài sản thiên nhiên vô cùng quý giá, có vị trí hết sức đặc biệt, nằm trong quy hoạch của Khu du lịch Đá Bàn. Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Phú Yên đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền giữ rừng và ngăn chặn phá rừng, bảo vệ những cánh rừng trắc còn lại và thành lập dự án bảo tồn, phát triển cây trắc; hỗ trợ một đề tài nghiên cứu cấp tỉnh để tổ chức điều tra, thu thập cơ sở dữ liệu, đề xuất các nội dung về bảo tồn, phát triển cây trắc, làm cơ sở để tiếp tục xây dựng đề tài cấp Nhà nước, kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
ANH NGỌC - TUYẾT HƯƠNG