Chuyển đổi phương thức phát triển, hướng tới xây dựng “Nền Kinh tế Xanh” là hướng tiếp cận mới, nếu xét về dài hạn thì đây là hướng tiếp cận phù hợp với xu thế phát triển chung của hệ thống kinh tế toàn cầu.
Hơn nửa thế kỷ qua, mặc dù kinh tế thế giới đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng các mô hình phát triển kinh tế trong giai đoạn này vẫn là kiểu nền kinh tế “nâu”. Đó là một nền kinh tế khai thác và sử dụng quá nhiều năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây ra những tổn hại to lớn cho môi trường như ô nhiễm không khí, nguồn nước và đại dương, suy thoái đất, mất rừng và suy giảm đa dạng sinh học.
Người ta cho rằng với phương thức phát triển ấy đã phát thải quá nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2, SO2, CH4… là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu diễn ra với quy mô toàn cầu đe dọa cuộc sống con người và gây ra tổn thất cho hoạt động kinh tế. Nhằm thay đổi tình trạng này, Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã đưa ra một hướng tiếp cận mới cho phát triển kinh tế được nhiều quốc gia đồng tình hưởng ứng, đó là phát triển “nền Kinh tế Xanh” (Green Economy).
UNEP đã đưa ra khái niệm ban đầu cho rằng: “Nền Kinh tế Xanh mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, nó có ý nghĩa giảm những rủi ro môi trường và khan hiếm sinh thái”. Từ khái niệm đó cho thấy, phát triển một nền Kinh tế Xanh thực chất là vì con người, đảm bảo phúc lợi cao nhất, đạt mục tiêu công bằng về mặt xã hội và hạn chế tối đa những rủi ro cho môi trường và hệ sinh thái, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên.
Như vậy khác với trước đây, trong “nền Kinh tế Nâu”, đầu tư công cần phải có sự điều chỉnh cơ bản thông qua những chính sách mới được cải thiện của các quốc gia, ưu tiên cho duy trì và phát triển nguồn vốn tự nhiên, nhất là những nguồn tài sản thuộc sở hữu chung mang lại lợi ích cho mọi người. Sự đầu tư đó cũng cần chú ý tới nhóm người nghèo, bởi sinh kế và an sinh của họ phụ thuộc nhiều vào tự nhiên và họ là những đối tượng dễ bị tổn thương do tác động của thiên tai cũng như sự biến đổi khí hậu.
Theo kết quả nghiên cứu của các tác giả trong tài liệu “Hướng tới nền Kinh tế Xanh” do UNEP công bố năm 2011, mô hình kịch bản đầu tư xanh với số vốn khoảng 2% GDP toàn cầu (khoảng 1.300 tỉ USD), trong đó khoảng một phần tư của tổng số (0,5% GDP) được đầu tư cho các lĩnh vực sử dụng nhiều vốn tự nhiên như các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, nước sạch và thủy sản. Trong mô hình kinh tế vĩ mô, các tác giả cũng đã tính toán và chỉ ra rằng, xét trong dài hạn, đầu tư vào nền Kinh tế Xanh sẽ cải thiện hiệu quả kinh tế và tăng tổng lượng của cải trên toàn cầu. Mặt khác sự đầu tư đó sẽ đem lại hiệu quả trong việc phục hồi các nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo, giảm thiểu những rủi ro môi trường và tái thiết sự thịnh vượng cho tương lai. Từ khởi xướng của UNEP về “Kinh tế Xanh”, để thực hiện nền Kinh tế Xanh, đòi hỏi các quốc gia căn cứ vào thực tiễn của mỗi nước tiến hành chuyển đổi mô hình và phương thức phát triển kinh tế cho phù hợp với xu thế phát triển mới, phải có sự điều chỉnh kết cấu kinh tế. Trong thực tế đã có một số nước mặc dù không nói rõ phát triển “nền Kinh tế Xanh”, nhưng họ đã có những điều chỉnh và chuyển đổi phương thức phát triển không theo phương thức phát triển cũ nữa - “Kinh tế Nâu”.
P.CÔNG-P.NAM (tổng hợp)