Tình trạng phá rừng làm rẫy vẫn đang là vấn đề nổi cộm tại xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh. Mặc dù xã và lực lượng kiểm lâm đã nỗ lực phòng chống, song do nhu cầu sản xuất, tình trạng này vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.
Cây sắn tiếp tục lên đời ở xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh - Ảnh: P.NAM
Xã Sơn Giang có tổng diện tích tự nhiên trên 5.000ha, trong đó rừng chiếm gần 50% diện tích.
Năm 2011, diện tích cây công nghiệp ngắn ngày của xã hơn 1.557ha, trong đó sắn trên 1.000ha và 392ha mía. Theo kế hoạch, trong năm 2012, xã Sơn Giang trồng 996ha sắn và 450ha mía. Tuy nhiên, mới chỉ qua 6 tháng đầu năm, diện tích cây công nghiệp ngắn ngày đã gần 1.500ha, trong đó sắn trên 920ha và 398ha mía, đó là chưa kể những diện tích chưa thống kê. Điều này cho thấy, từ nay đến cuối năm 2012, diện tích sắn và mía sẽ còn tăng cao, đồng nghĩa với việc rừng có nguy cơ tiếp tục bị xâm hại.
Theo UBND xã Sơn Giang, năm 2011 trên địa bàn xảy ra 28 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có đến 17 vụ phá rừng làm rẫy trái phép, 4 vụ xác định được đối tượng, làm thiệt hại hơn 14ha rừng và 4 trường hợp cất lán trại trong rừng để phá rừng làm rẫy trái phép. Từ đầu năm 2012 đến nay trên địa bàn xã cũng đã xảy ra 6 vụ vi phạm, trong đó 5 vụ phá rừng làm rẫy, gây thiệt hại hơn 3,2ha, chủ yếu ở thôn Suối Biểu và khu vực Dốc Phường thuộc thôn Nam Giang. Ông Phạm Quốc Thông, Chủ tịch UBND xã Sơn Giang lo ngại: “Do nhu cầu phát triển sản xuất nên người dân bất chấp pháp luật, lén lút phát rừng để trồng sắn. Trong khi đó, xã chỉ có một cán bộ lâm nghiệp không chuyên trách nên rất khó khăn trong kiểm tra, quản lý. Mặt khác, hiện khung xử phạt hành chính tối đa theo thẩm quyền đối với cấp xã chỉ 2 triệu đồng, chưa đủ sức răn đe các đối tượng. Cũng theo ông Thông, hiện tình trạng lấn chiếm đất rừng, đất lâm nghiệp để trồng sắn vẫn còn xảy ra. Một số hộ xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp... Vì vậy thời gian tới, cần tăng cường phối hợp với lực lượng kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn nạn phá rừng làm rẫy, đồng thời tuyên truyền đến từng hộ dân không vì lợi ích trước mắt mà có hành vi ảnh hưởng đến tài nguyên rừng. Ngoài ra, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, xã đang cấp đất lâm nghiệp cho 385 hộ dân, với tổng kinh phí 85 triệu đồng để duy trì trồng 80ha rừng/năm.
PHƯƠNG MINH