Hàng nghìn hộ dân huyện Đồng Xuân và Sơn Hòa phấn khởi khi dự án trục giao thông phía Tây sau nhiều năm thi công đã cơ bản hoàn thành, chấm dứt tình trạng nắng bụi, mưa sình.
Một đoạn trên trục giao thông phía Tây qua huyện Đồng Xuân - Ảnh: P.NAM
ĐƯỜNG THÔNG SUỐT
Về các xã miền núi nằm dọc trục giao thông phía Tây thuộc huyện Đồng Xuân và Sơn Hòa trong những ngày cuối tháng 7, chúng tôi thật sự bất ngờ vì chỉ hơn một tháng, gần như toàn bộ con đường “đau khổ” nắng bụi, mưa bùn trước đây đã được thảm nhựa. Nhà cửa, hàng quán của người dân ở hai bên đường được dựng lên, cởi bỏ “tấm áo” che bụi đường. Dọc đường, sắn, mía xanh ngắt màu lá non... Gác chiếc mỏ hàn lên giá đỡ, ông Bùi Tấn Cường, chủ đại lý điện tử Tấn Cường ở xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) phấn khởi cho biết: “Trước đây, người dân rất khổ sở khi con đường thi công dở dang. Mùa mưa đường sình lún, nước lũ đổ về cuồn cuộn, ngập các cầu tràn, chia cắt các tuyến đường. Nắng đến, xe cộ qua lại bụi tung mù mịt phủ trắng nhà cửa, cây cối, đến mức ngồi trong sân nhà sửa chữa điện tử cũng phải đeo khẩu trang. Còn bây giờ đường đã được láng nhựa thẳng tắp, ai cũng vui mừng”.
Đang ung dung bon bon trên chiếc xe tay ga đời mới từ thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định (Sơn Hòa) về thôn Suối Mây, xã Xuân Phước (Đồng Xuân), thấy chúng tôi chụp ảnh bên lề đường, ông Nguyễn Văn Bảy dừng xe, nói vui: “Đường giờ ổn rồi nhà báo ơi! Nhớ ghi hình cho đẹp, để mọi người khắp nơi biết vùng quê này đang đổi thay từng ngày”.
Từ ngã ba thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước đến thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định, các nhà thầu tập kết máy móc, thiết bị, khẩn trương thi công để hoàn tất những công đoạn cuối cùng, thông tuyến trong thời gian sớm nhất. Nếu như trước đây, đoạn qua dốc Đứng giáp ranh giữa thôn Suối Mây và thôn Hòa Ngãi đất đá lởm chởm, sình lún giữa mùa hè do mạch nước ngầm trong núi chảy ra, thì nay đang được các nhà thầu gấp rút thi công để hoàn thành toàn bộ con đường vào đầu tháng 8 tới. Công nhân Lê Tâm Mãnh của Công ty TNHH 522 phấn khởi cho hay: “Công trình được đẩy nhanh tiến độ gần một tháng nay, nếu thời tiết thuận lợi, khoảng hơn hai tuần nữa là hoàn tất”.
Dừng xe bên lề đường tại thôn Phú Hội, xã Xuân Phước lúc chập tối, tài xế Mạnh Văn Diêu đang sắp xếp lại vật dụng chuyển nhà từ xã Xuân Quang 3 về xã Phước Tân (Sơn Hòa). Anh phấn khởi cho biết: Trước đây, trời xẩm tối là tôi không dám lái xe vượt dốc Đứng vì rất nguy hiểm, còn nay phần lớn các đoạn đường qua đây đã được thảm nhựa phẳng lỳ, không còn gập ghềnh.
TẠO SỨC SỐNG MỚI
Chợ Phước Lộc, xã Xuân Quang 3 sau nhiều năm thưa thớt kẻ bán người mua, do hàng ngày phải hứng bụi, nay đã sầm uất. Bà Nguyễn Thị Sen, bán nước mía ở đây bộc bạch: “Giờ qua rồi cái cảnh trời mưa nước bắn tung tóe, quần áo nhem nhuốc, nắng bụi bạc đầu do xe cộ qua lại. Trước đây, hàng quán ế ẩm, một ngày bán không đến 20 ly nước mía, nay không có mía mà bán”.
Ông Bùi Tấn Cường, chủ đại lý điện tử Tấn Cường ở xã Xuân Quang 3 còn cho biết, gần đây nhiều người từ các xã Sơn Long, Sơn Định (Sơn Hòa) sang đây mua tủ lạnh, ti vi mà không phải đi Tuy Hòa vì đường sá thuận lợi, giá cả chênh lệch không đáng kể. Theo nhiều người dân ở xã Xuân Quang 3, đường thông thoáng, sạch đẹp, giá đất cũng tăng từ 10-20 triệu đồng/lô, có lô hơn 300 triệu đồng.
Con đường bê tông rộng hơn 3m, dài gần 100m vừa được hoàn thành, nối với trục giao thông phía Tây, làm thay đổi diện mạo thôn Suối Mây. Anh Y Ba, Bí thư Xã đoàn Xuân Phước phấn khởi nói: “Giao thông thuận lợi, chi phí vận chuyển nông sản về nhà máy giảm, giờ chỉ việc vận động trai làng không vì đường tốt mà chạy xe với tốc độ cao dẫn đến tai nạn”. Mới dọn nhà về khu giãn dân thôn Suối Mây nằm trên trục giao thông phía Tây, chị Lê Mo Thị Chuyển vui vẻ tiếp chuyện với chúng tôi: “Đường tốt, gùi bắp, sắn cũng đỡ mệt, bớt đau cái chân, bà con phấn khởi lắm”.
PHƯƠNG NAM
Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT Phú Yên cho biết: Trục giao thông phía Tây gồm 8 tiểu dự án, nền đường 7,5m, mặt đường bằng bê tông nhựa rộng 5,5m, chiều dài tuyến đường hơn 115km với 13 cầu, tràn, đi qua ba huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh, tổng mức đầu tư hơn 609 tỉ đồng. Sau nhiều năm thi công, tháng 8 tới sẽ hoàn thành toàn bộ tuyến đường, đảm bảo giao thông thông suốt giữa các huyện miền núi với các tỉnh Tây Nguyên, tạo thuận lợi trong vận chuyển nông sản của nhân dân.