Ngày môi trường thế giới (5/6), ngày Đại dương thế giới (8/6) và Tuần lễ Biển đảo Việt Nam (từ ngày 1- 8/6) là sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, diễn ra trên khắp thế giới với mục tiêu cùng hành động, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tài nguyên biển, hải đảo.
Đoàn viên thanh niên TX Sông Cầu diễu hành, cổ động Ngày Môi trường thế giới - Ảnh: P.NAM
Việc tổ chức sự kiện tại TX Sông Cầu năm nay vì địa phương này đang đẩy mạnh các ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung vào khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, từng ngày mạnh về biển, làm giàu từ biển. Chính vì việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên biển tại địa phương này và cả tỉnh là một trong những nhiệm vụ vô cùng cần thiết và cấp bách hiện nay. Đồng thời các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả bề rộng lẫn chiều sâu về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biển, đảo và đại dương. Từ đó, tạo nên sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; ý thức dân tộc của mỗi người đối với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển trong xu thế hội nhập hiện nay; là dịp tuyên truyền những kết quả bước đầu trong công tác quản lý nhà nước theo tinh thần Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020.
Tuần lễ Biển và Hải đảo năm 2012 có chủ đề “Việt Nam mạnh về biển, giàu lên từ biển” có ý nghĩa sâu sắc, không những mang tầm quốc gia và còn có ý nghĩa về phương diện quốc tế. Đây là dịp để Việt Nam giới thiệu những tiềm năng, tìm kiếm cơ hội và quảng bá những thành tựu, kinh nghiệm từ phát triển kinh tế biển, đảo của các địa phương trong cả nước; phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.
Chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2011 – 2012 là: “Thanh niên: làn sóng tiếp theo cho sự đổi mới”, là những người cần có tri thức và có động lực thúc đẩy cộng đồng trong những vấn đề liên quan đến môi trường và bảo vệ môi trường, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng; có thời gian quan tâm đến các vấn đề của thời đại và có động cơ hành động để bảo vệ môi trường một cách hữu ích. Các nghiên cứu cũng cho thấy, các bậc phụ huynh đang ngày càng quan tâm hơn đến việc dạy dỗ con cái của họ về những vấn đề môi trường khi chúng bước vào lứa tuổi thanh thiếu niên. Trên hết, mục tiêu chung của việc tổ chức Ngày Đại dương thế giới là nâng cao nhận thức cho công chúng, trách nhiệm của các nhà quản lý về vai trò quan trọng của biển và đại dương, cổ vũ các hành vi “vì sự bền vững của biển cả” trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Từ đó nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ tài nguyên biển, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Thực hiện chính sách đổi mới do Đảng, Nhà nước ta khởi xướng và lãnh đạo, trong những năm gần đây cả nước nói chung và Phú Yên nói riêng đã và đang tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, cùng với tăng trưởng kinh tế, xã hội, vấn đề ô nhiễm và suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu cũng đang là mối quan ngại của toàn xã hội, đe dọa tới sức khỏe con người, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Với chủ đề “Kinh tế Xanh: Có vai trò của Bạn”, Ngày Môi trường thế giới năm nay định hướng cho chúng ta cách thức xây dựng một nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái, đồng thời nhấn mạnh vai trò của mỗi cá nhân, góp phần tạo nên sự phát triển thành công của nền Kinh tế Xanh. Chủ đề này nhấn mạnh, không ai khác mà chính “bạn” là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng thành công nền Kinh tế Xanh. Đồng thời cũng là lời mời “bạn” tham gia hưởng ứng và thực hiện các hoạt động của Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng.
Kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới chính là cách nhân sức mạnh của hành động cá nhân lên hàng nghìn, hàng triệu lần; giúp chúng ta tự nhắc nhở bản thân mình và những người xung quanh về tầm quan trọng của việc quan tâm tới môi trường. Đồng thời nhắc nhở mọi người ghi nhớ: Mọi hành động dù nhỏ nhất đều có ích, hãy tham gia cùng chúng tôi mỗi năm, ở khắp mọi nơi, với tất cả mọi người!
Ngoài ra, để có được một nền Kinh tế Xanh, chúng ta cần thiết lập một nền kinh tế ít phát thải cacbon, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, nông-lâm-ngư nghiệp bền vững và tạo ra công bằng xã hội. Các quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Đức, Hàn Quốc... đã đầu tư hàng trăm tỉ USD cho chính sách Kinh tế Xanh, và coi đó là sự đầu tư tốt nhất đối với phát triển bền vững của quốc gia, vì vừa thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ổn định, vừa góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và tạo việc làm. Đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, Kinh tế Xanh tuy còn khá mới mẻ, song bước đầu đã có sự chuyển hướng đầu tư vào các công nghệ sản xuất sạch hơn.
Tại Phú Yên, trong những năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra những chủ trương, biện pháp và triển khai nhiều hoạt động cụ thể để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Như kịp thời cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong các ngành sản xuất, kinh doanh dịch vụ và hoạt động xã hội; rà soát, bổ sung các chương trình, dự án, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, như: Chiến lược Bảo vệ môi trường tỉnh Phú Yên đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Chương trình hành động 37-Ctr/TU ngày 9/6/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Quy hoạch bãi xử lý chất thải rắn, làm căn cứ tổ chức triển khai thực hiện và xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu; Xây dựng kế hoạch hành động an toàn và đa dạng sinh học đến năm 2020...
Ngày Môi trường thế giới năm nay được tổ chức tại TX Sông Cầu nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến toàn thể nhân dân từng ngày “làm giàu từ biển, mạnh lên từ biển”. Từ đó định hướng xây dựng một nền kinh tế xanh ngay từ điểm khởi đầu, đẩy mạnh ngành công nghiệp không khói như đánh bắt xanh, nuôi trồng xanh, du lịch xanh… Vì vậy, tôi kêu gọi mỗi người hãy tích cực chủ động, bằng những hành động cụ thể tham gia vệ sinh đường phố, nơi công cộng; giữ gìn và bảo vệ nguồn nước; trồng nhiều cây xanh; sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng xanh, công việc xanh, chính sách xanh, các tòa nhà xanh... Các cơ quan, doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp và cơ sở sản xuất thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường; tăng cường cải tiến công nghệ sản xuất, tiết kiệm nhiên liệu và giảm thiểu phát sinh chất thải; tích cực tìm hiểu khả năng áp dụng các nguồn năng lượng mới thân thiện với môi trường nhằm giảm phát thải khí nhà kính, một trong những nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu toàn cầu; quản lý chất thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước và các nguồn tài nguyên khác, góp phần cho sự thành công trong xây dựng một nền Kinh tế Xanh...
Tôi cũng đề nghị các sở, ban ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và chính quyền các địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ ngành tài nguyên và môi trường cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường cho mọi đối tượng; biến nhận thức trong bảo vệ môi trường thành ý thức tự giác và hành động cụ thể ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và từng người dân; lấy phòng ngừa ô nhiễm làm phương châm hành động, khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà coi nhẹ việc duy trì, bảo vệ và tái tạo môi trường; huy động tối đa và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường và đẩy mạnh xã hội hóa công tác này.
PHƯƠNG NAM (lược ghi)