Ngoài tác dụng về giao thông, cầu Hùng Vương cần có một kiến trúc đẹp để tạo nên điểm nhấn cho TP Tuy Hoà. Các nhà chuyên môn cho rằng 5 nhịp vòm thép của cầu chính là giải pháp tối ưu. Chủ đầu tư cũng cho biết hoàn toàn có khả năng thực hiện các nhịp chính của cầu Hùng Vương dạng vòm theo đúng tiến độ.
Mô hình cầu Hùng Vương với 5 nhịp chính theo dạng vòm thép. Ảnh: Sở GTVT cung cấp.
Hiện đang có những ý kiến khác nhau về thiết kế kỹ thuật của 5 nhịp chính cầu Hùng Vương.
Trong năm 2003, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) đã mời 2 đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty Tư vấn thiết kế cầu lớn- hầm và Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (đều thuộc Bộ GTVT) nghiên cứu, lựa chọn mô hình cho cầu Hùng Vương. Các đơn vị này đã đề xuất 5 phương án khác nhau trong đó mô hình vòm thép cho các nhịp cầu chính đã được Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các cơ quan có liên quan chấp thuận sau nhiều lần tổ chức hội thảo kể cả lấy ý kiến góp ý của quần chúng nhân dân. Tháng 3/2005, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi cầu Hùng Vương với tổng mức đầu tư 382 tỷ đồng. Cầu chính có 5 nhịp vòm gồm 2 nhịp dài 80 mét, 3 nhịp dài 120 mét. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật của cầu chính do liên danh giữa Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam và Đại học Phúc Châu (Trung Quốc) thực hiện xong từ giữa năm nay với giá trị dự toán gần 231,5 tỷ đồng.
Cầu Hùng Vương là hạng mục chính, quan trọng nhất thuộc dự án hạ tầng đô thị nam TP Tuy Hòa - Vũng Rô. Cầu có chiều dài 1.280 mét, rộng 18 mét gồm 9 nhịp dẫn phía bắc, 10 nhịp dẫn phía nam và 5 nhịp cầu chính được thiết kế theo dạng vòm thép. Hiện chủ đầu tư công trình này là Sở GTVT đang triển khai các nhịp dẫn phía bắc và cầu chính sau khi đã khởi công xây dựng các nhịp cầu dẫn phía nam.
Để có thể thẩm tra thiết kế kỹ thuật hạng mục này, Sở GTVT đã gửi thư mời đến các tổ chức tư vấn nước ngoài và đã có 4 đơn vị của Đức, Trung Quốc xin tham gia. Tuy nhiên chi phí của việc thẩm định dự kiến thấp nhất vào khoảng 80.000 USD (tương đương 1,4 tỷ đồng Việt
Về phía chủ đầu tư, Sở GTVT cho rằng hoàn toàn có khả năng thực hiện các nhịp chính của cầu Hùng Vương dạng vòm theo đúng tiến độ đề ra. Đơn vị này thừa nhận kết cấu ống thép nhồi bê tông là một kỹ thuật cao, áp dụng công nghệ tiên tiến rất khó thi công nhưng không phải không làm được. Ở Việt Nam trên đại lộ Nguyễn Văn Linh (thuộc khu dân cư Nam Sài Gòn- Phú Mỹ Hưng (TP Hồ Chí Minh) đã có 3 cầu dạng vòm gồm Xóm Củi, Ông Lớn và Cần Giuộc. Hiện một loạt cầu theo dạng này cũng đang được triển khai như cầu Hàn (Hải Dương), cầu Đông Trù (Hà Nội), cầu Nguyễn Văn Trỗi (TP.HCM). Sở GTVT cũng cho biết đã có các Công ty China Harbour Engineering Company LTD (gọi tắt là CHEC) và Công ty tư vấn xây dựng Sino Pacific (gọi tắt là SPCC) đồng ý nhận thi công). Đây là các nhà thầu Trung Quốc có đủ năng lực, đã và đang triển khai xây dựng các cầu vòm kể trên. Về tiến độ thực hiện đầu tư dự án, theo Sở GTVT nếu chọn tổng thầu thi công đối với các nhà thầu nước ngoài trên cơ sở xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ vận dụng Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng đối với gói thầu có đặc thù riêng thì thời gian ước khoảng 6 tháng kể từ khi có chủ trương cộng thêm với thời gian thi công dự kiến khoảng 24 tháng và như vậy công trình có thể hoàn thành vào quý 2/2009.
Nhiều ý kiến cho rằng: Ngoài tác dụng về mặt giao thông, cầu Hùng Vương cần có một kiến trúc đẹp để tạo nên điểm nhấn cho thành phố Tuy Hòa trong tương lai. Và 5 nhịp vòm thép của cầu chính là giải pháp tối ưu. Nếu xây dựng theo kết cấu bình thường (nhịp thẳng giản đơn) có ít tốn kém hơn, nhưng mai này khi hình thành đô thị nam sông Đà Rằng, TP trẻ Tuy Hòa nằm hai bên sông Đà Rằng sẽ chẳng tạo nên ấn tượng mỹ thuật gì đối với nhân dân tong tỉnh và khách phương xa. Hiện trên sông Đà Rằng đã có 2 cầu được xây dựng theo thiết kế bình thường. Do vậy cầu Hùng Vương cần có một kết cấu đặc biệt nhằm tạo ra nét đẹp cho đô thị Tuy Hòa.
HOÀI TRUNG